Thủy điện “chết”, dân bị vạ lây

ThienNhien.Net – Hầu hết các hồ thủy điện ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã cạn kiệt, xuống mực nước chết khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh khốn đốn

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên đang đề nghị các nhà máy thủy điện xả nước để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Tuy nhiên, các thủy điện chỉ có thể xả nước cầm chừng.

Không còn nghĩ đến chuyện kinh doanh

Tỉnh Gia Lai có trên 40 công trình thủy điện lớn, nhỏ nhưng đến thời điểm này, phần lớn các hồ chứa nước đều cạn kiệt.

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ còn 0,5m là đến mực nước chết (Ảnh: HỒNG ÁNH)
Hồ thủy điện Sông Ba Hạ chỉ còn 0,5m là đến mực nước chết (Ảnh: HỒNG ÁNH)

Theo ông Nguyễn Đăng Hà, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San,  mực nước tại hồ chứa của Nhà máy Thủy điện Sê San 4 đang ở cao trình 210,18 m so với mặt nước biển, chỉ còn 20 cm nữa là xuống mức chết. “Lưu lượng bình quân nhiều năm về hồ là 330 m3/giây nhưng hiện chỉ đạt 120 m3/giây”- ông Hà nói. Hiện mỗi ngày, nhà máy chỉ chạy từ 1 đến 3 giờ nên lượng nước trả về hạ du rất thấp.

Trong khi đó, ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly, cho biết tổng sản lượng điện trong tháng 2-2016 của 3 nhà máy thủy điện thuộc công ty (gồm Ia Ly, Plei Krông và Sê San 3) chỉ đạt hơn 154 triệu KWh, thấp nhất trong nhiều năm qua do nguồn nước ở các hồ đều đã cạn kiệt.

Hồ thủy điện Buôn Tua Srah nằm trên sông Krông Nô, đoạn chảy qua xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có dung tích hữu ích hơn 520 triệu m3. Đây là hồ thủy điện có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp cho các địa phương vừa nêu. Dù vậy, theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, từ giữa tháng 9-2015, mực nước hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah đã xuống  gần mức chết.

Tại Phú Yên, hồ thủy điện Sông Ba Hạ hiện cũng chỉ còn ở cao trình 101,5 m, chỉ cách mực nước chết 0,5 m. “Chúng tôi không còn nghĩ đến chuyện kinh doanh, chỉ làm sao cấp nước về được cho hạ du, không để cây lúa chết khô là may rồi” – ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, lo ngại.

Hiện Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ và Nhà máy Thủy điện Sông Hinh phải luân phiên chạy máy, mỗi nhà máy trung bình chạy 6 giờ/ngày để cung cấp nước về hạ du. Tuy nhiên, lưu lượng nước xả chạy máy cũng đã giảm xuống thấp nhất. Thủy điện Sông Ba Hạ hiện chỉ chạy 1 tổ máy với lưu lượng tối thiểu là 120 m3/giây so với thiết kế là 400 m3/giây cho 2 tổ máy.

Đau đớn nhìn ruộng lúa chết dần

Nằm ở phía hạ lưu thủy điện Đắk Pi Hao 2 , hàng trăm hecta lúa của người dân các xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó của huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đang đối mặt nguy cơ mất trắng vì đang trong giai đoạn làm đòng nhưng thiếu nước.

Cùng lúc đó, các trạm bơm vùng hạ du sông Ba, nơi thượng nguồn có nhiều nhà máy thủy điện, đang giảm thời gian bơm nước. Trạm bơm Chư Gu, huyện Krông Pa chỉ hoạt động được từ 20 giờ đến 2-3 giờ hôm sau do sông Ba (chảy qua 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên) không đủ nước. Những người dân có ruộng ở gần các mương nước khi trạm bơm hoạt động đã tranh nhau lấy nước tưới, còn những hộ có ruộng ở xa hơn thì đau đớn nhìn cây lúa héo úa, chết dần.

Các địa phương tại Bình Định cũng đang khốn đốn vì khô hạn. UBND huyện Tây Sơn xác nhận gần 150 ha lúa ở xã Tây Thuận có nguy cơ mất trắng nếu không có nước kịp thời. Diện tích lúa ở địa phương này lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ thủy điện An Khê – Kanak đổ về Suối Cát nhưng từ tháng 12-2015 đến nay, thủy điện này không xả nước khiến đồng ruộng khô cằn.

Theo ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak, do nước cạn kiệt nên từ tháng 11-2015, nhà máy đã phải ngừng hoạt động. Để cứu diện tích lúa cho xã Tây Thuận, thủy điện này cố gắng điều tiết cung cấp 3 đợt nước từ ngày 3 đến 27-3.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông có 10 trạm với 22 tổ máy bơm nước từ sông Krông Nô để phục vụ cho hơn 2.000 ha cây trồng. Ông Hoàng Trung Thơ, giám đốc công ty, thừa nhận do thủy điện chủ yếu xả nước vào ban đêm nên khi bơm lên thì không mấy người dân lấy được nước.

Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc xả nước vào ban đêm sẽ không mang lại hiệu quả cao. “Tôi đã đề nghị phía công ty xây dựng phương án xả nước phù hợp và đặt mục tiêu chống hạn lên trên hết” – ông Y Dhăm Ênuôl nhấn mạnh.

Cứu lúa quan trọng hơn đua voi

Liên quan đến việc UBND huyện Buôn Đôn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4 xả nước để phục vụ đua voi vượt sông tại lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc Buôn Đôn trong tháng 3 này, ông Y Dhăm Ênuôl cho rằng phải xem xét lại.

“Tình hình hạn hán rất nghiêm trọng, cứu lúa quan trọng hơn đua voi. Nên bỏ bớt nội dung này trong lễ hội để không lãng phí nguồn nước” – ông nhấn mạnh.

 

Nước mặn chực chờ xâm nhập

Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty MTV Thủy nông Đồng Cam (Phú Yên), cho biết nguồn nước đập Đồng Cam nuôi sống hơn 15.000 ha lúa của cánh đồng Tuy Hòa. Tuy nhiên, khi nào thủy điện chạy máy thì nước còn qua tràn, cung cấp đủ cho cánh đồng; còn lúc không chạy máy thì hụt, nước xuống dưới tràn.

Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Phú Yên, tỏ ra rất lo về tình hình thiếu nước sinh hoạt cho TP Tuy Hòa cũng như các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa khi hồ thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh đang cạn dần. Nếu các hồ thủy điện cạn kiệt thì các vùng này chắc chắn sẽ bị “đứt” nước.

Theo ông Thuần, nếu nước thủy điện không xả về hạ du thì lập tức nước mặn sẽ tràn lên các giếng cấp nước sinh hoạt cho người dân. Khi đó, khó tránh nguy cơ nước sinh hoạt bị xâm nhập mặn.

Nguồn: