TP. Hồ Chí Minh thiệt hại 1.000 tỷ đồng nếu đóng bãi rác Phước Hiệp

ThienNhien.Net – Ngày 20/1/2016, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận thanh tra số 03/KL-TTTP về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố. Theo bản kết luận này, việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp, Củ Chi sẽ gây ra lãng phí lớn về ngân sách đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Cảnh thi công ngổn ngang tại công trường Phước Hiệp (Ảnh: Vietnam+)
Cảnh thi công ngổn ngang tại công trường Phước Hiệp (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 20/1/2016, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kết luận thanh tra số 03/KL-TTTP về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố. Theo bản kết luận này, việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp, Củ Chi sẽ gây ra lãng phí lớn về ngân sách đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, theo Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện theo chủ trương của Uỷ ban nhân dân thành phố, bãi chôn lấp số 3 tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (khu xử lý rác Phước Hiệp, Củ Chi) ngừng tiếp nhận rác từ ngày 1/4/2015 để chuyển sang chế độ dự phòng, gần như toàn bộ lượng rác về đây được chuyển sang khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Trước đó, từ ngày 11/4/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường lập đề án chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt về Đa Phước. Trong đó, Sở này nhận xét và kiến nghị: Xét về công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh thì cả hai dự án của công ty VWS và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị đều là công nghệ tiên tiến và tương đương nhau. Nếu ngưng tiếp nhận chất thải tại bãi chôn lấp số 3, đưa vào hoạt động dự phòng thì ngân sách phải chi trả một khoản tiền gần 900 tỷ đồng, mỗi năm phải tốn chi phí bảo dưỡng, duy tu… là trên 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có vấn đề an sinh xã hội đối với 300 lao động của Công ty Môi trường đô thị thành phố. Đồng thời để chuyển chất thải về Đa Phước phải điều chỉnh thời gian thu gom, quy trình vận chuyển, phân luồng giao thông và xem xét mở rộng đường giao thông quốc lộ 50.

Thanh tra cho rằng: Nếu không tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi chôn lấp số 3 thì không thể đáp ứng yêu cầu của bãi dự phòng do cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, không có lực lượng lao động sẵn có…, đồng thời gây lãng phí cho ngân sách trên 1.000 tỷ đồng (600 tỷ đã đầu tư và 400 tỷ đồng dự kiến bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc.)

Từ những lý do nêu trên, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp, Củ Chi nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Để tránh thiệt hại cho ngân sách, Thanh tra kiến nghị xem xét tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh bãi chôn lấp số 3 (Dự kiến hơn 300 tỷ đồng), cho phép tiếp nhận, xử lý chất thải khoảng 2.000 tấn/ngày để đảm bảo chi phí duy trì hoạt động của bãi chôn lấp, duy trì lực lượng lao động, đáp ứng khả năng làm bãi dự phòng khi có sự cố xảy ra đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nếu có.

Bên cạnh đó, Thanh tra cũng kiến nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học-công nghệ, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng có phương án khả thi trình Ủy ban nhân thành phố về hoạt động của bãi chôn lấp số 3 trên tinh thần tránh lãng phí ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh chất thải trong trường hợp Đa Phước bị lún sụt, cháy nổ, đình công…

Trước đó, từ tháng 5/2015, VietnamPlus đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh tình trạng bất hợp lý trong cán cân rác thải tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp đã gây ra rất nhiều hệ lụy về an sinh xã hội, môi trường cũng như kinh tế.