Tiền trảm hậu tấu

ThienNhien.Net – Báo Đại Đoàn Kết ngày 24/12/2015 có bài “Sinh cảnh sống của Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà bị đe dọa”. Sau khi bài viết đăng tải, đã có nhiều ý kiến lo ngại  về  giai đoạn 2 của một dự án đang được rốt ráo triển khai tại một phần sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích (cả 2 giai đoạn) là 142,1 ha. Trong khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, chủ đầu tư dự án đã tiến hành đo đạc, phát chặt cây bụi, dây leo khiến sinh cảnh sống của ít nhất 7 bầy đàn với trên dưới 140 cá thể Vọoc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, được xếp vào dự án sách bảo tồn vô điều kiện, bị đe dọa nghiêm trọng.

Một cá thể Vọoc chà vá chân nâu tại sườn Tây Nam Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Ảnh: Dương Thanh Tùng)
Một cá thể Vọoc chà vá chân nâu tại sườn Tây Nam Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Ảnh: Dương Thanh Tùng)

Mới đây, tại cuộc họp báo do UBND.TP Đà Nẵng tổ chức, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã nêu câu hỏi với ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng về giai đoạn 2 của dự án đe dọa nghiêm trọng sinh cảnh sống của Vọoc chà vá chân nâu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và được ông khẳng định: Chưa có bất cứ một thứ giấy tờ gì của chủ đầu tư liên quan đến giai đoạn 2 của dự án này. Ông Điểu cũng cho hay đây là một dự án quy mô với nhiều hạng mục công trình, trong đó có các khối nhà cao đến 20 tầng!

Đến ngày 19/1/2016,  Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết chủ đầu tư đã gửi hồ sơ giai đoạn 2 của dự án đến Sở TN&MT và Sở này đang hoàn chỉnh văn bản gửi Bộ TN&MT xin chấp thuận cho triển khai. Ông Điểu nói rằng Sở TN&MT mới vừa nhận được Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cùng với hồ sơ của chủ đầu tư nhưng chỉ nhận để “tham khảo” vì phải chờ ý kiến của Bộ TN&MT.

Ngày 20/1/2016, sau nhiều cố gắng, chúng tôi đã liên lạc được với một đại diện lãnh đạo chủ đầu tư dự án tuy nhiên không ghi nhận được thông tin gì đáng kể ngoài việc được vị này cho biết đang chờ lấy văn bản của Sở TN&MT Đà Nẵng để bay ra Hà Nội vào ngày 21/1 xin  cơ quan thẩm quyền cho triển khai giai đoạn 2 của dự án nói trên.

Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết thêm, vì giai đoạn 1 của dự án này đã dừng quá lâu, theo quy định muốn triển khai giai đoạn 2 phải qua đấu giá vì thế nên  UBND TP Đà Nẵng giao Sở TN&MT làm văn bản xin ý kiến Bộ TN&MT.

Những diễn biến trên cho thấy chủ đầu tư dự án đã “tiền trảm hậu tấu”, cho chặt phát cây bụi, dây leo, tiến hành đo đạc, cắm mốc nhằm triển khai giai đoạn 2 của dự án rồi mới gửi hồ sơ xin phép cấp thẩm quyền. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ tháng 11-2015 đến nay, chủ đầu tư dự án đã và đang rốt ráo triển khai đo đạc, cắm mốc, chặt phát cây bụi, dây leo ở một phần diện tích sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà. Đây là nơi sinh sống, sinh hoạt theo tập tính của ít nhất 7 bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu với trên dưới 140 cá thể.

Nhà khoa học về môi trường Vũ Ngọc Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc chặt phát cây cối ở khu vực được cho thuê đất của chủ dự án là sai luật. Dù là đất thuê nhưng không phải muốn chặt cây nào cũng được!.

Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình trạng thiên nhiên, môi trường ở Sơn Trà bị đe dọa bởi các dự án du lịch. Ông Trịnh Lê Nguyên cho rằng việc triển khai dự án du lịch hay bất cứ dự án gì khác ở Sơn Trà cũng phải tuân thủ theo các quy định của luật. Dự án trước khi được chấp thuận cho triển khai phải có lộ trình tham vấn rộng rãi ý kiến của giới chuyên môn, khoa học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án trên tổng diện tích 142,1 ha ở một phần sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà chỉ có các hồ sơ mang tính pháp lý trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2007. Diện tích mà UBND TP Đà Nẵng cho chủ đầu tư thuê để làm dự án du lịch được tính từ mép biển lên đến giáp con đường bê tông công vụ. Từ tháng 8/2015, phần diện tích 1.000 ha (trong đó có 142,1 ha diện tích dự án nói trên)   được UBND TP Đà Nẵng giao cho UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà quản lý).

Việc giao đất này theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng chỉ là để phân cấp quản lý. 1.000 ha đất nói trên vẫn nằm trong tổng thể Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và vẫn phải tuân thủ các quy chế bảo vệ rừng của Nhà nước.