Thủ tướng: “Tái cơ cấu nông lâm trường không kêu gọi chung chung nữa”

ThienNhien.Net -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Lên phương án tái cơ cấu từng nông, lâm trường quốc doanh một. Cứ nói sắp xếp mãi mấy chục năm nay rồi”

Sáng 5/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị Tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 của Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Một trong những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đó là không kêu gọi chung chung mà phải khẩn trương lên phương án sắp xếp, tái cơ cấu và phê duyệt cụ thể từng nông, lâm trường quốc doanh.

Theo báo cáo và các tham luận tại hội nghị: Mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, nhưng trong năm qua toàn ngành nông nghiệp đã triển khai tái cơ cấu kịp thời, đúng hướng nên đã duy trì tăng trưởng với chất lượng ngày càng tích cực. Riêng tăng GDP của toàn ngành 5 năm qua đạt 3,13%, vượt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng dự hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp
Thủ tướng dự hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp

Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 cũng tăng khoảng 2 lần so với năm 2010.

Đáng chú ý trong năm qua, cây ăn quả phát triển nhanh cả về sản lượng và chủng loại và đang trở thành hướng chuyển đổi hiệu quả trong tái cơ cấu ngành trồng trọt…

Đến nay, cả nước đã có 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn.

Hội nghị cũng phân tích những hạn chế, yếu kém của ngành nông nghiệp liên quan đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của một số ngành hàng và sản phẩm, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; tổ chức đổi mới sản xuất còn chậm; công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập…

Hội nghị cũng nghe nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành trong năm nay đạt từ 3-3,5% với giá trị sản xuất tăng 3,5-4%….

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và biểu dương toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, tác động tiêu cực cả trong nước và ngoài nước để duy trì được tăng trưởng và đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, khẳng định là bệ đỡ cho sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới; tập trung rà soát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề án phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm.

Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó đặc biệt lưu ý khuyến khích người nông dân, doanh nghiệp ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ thị trường, bảo vệ người sản xuất; đồng thời rà soát, nhân rộng các mô hình liên kết, hình thành chuỗi sản xuất quy mô lớn có chất lượng hàng hoá cao.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thực hiện tốt hơn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là tái cơ cấu các nông, lâm trường quốc doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu” Các đồng chí phải lên phương án, đề án tổ chức lại, cơ cấu lại từng nông lâm trường, phê duyệt từng cái một. Ở đây có các tỉnh dự, các đồng chí hết sức lưu ý cái này. Không thể kêu gọi chung chung được nữa. Cứ lúc nào cũng nói là sắp xếp nông lâm trường quốc doanh, nói mãi mấy chục năm nay rồi”.

“Giờ cụ thể nông trường A là thế nào, nông trường B là thế nào? Cái nào chuyển sang sự nghiệp có thu, cái nào chuyển sang doanh nghiệp, cái nào là giải thể để giao đất cho địa phương, giao đất cho người dân? Giờ chúng ta làm cụ thể từng cái một và phê duyệt, giống như chúng ta đã làm doanh nghiệp nhà nước vừa qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá nông lâm trường đã làm rất tốt vai trò trong thời gian qua, nhưng theo Thủ tướng, sang thời kỳ mới kinh tế thị trường, phải hội nhập, cạnh tranh thì phải đổi mới. Đây là một mảng còn rất lớn và là một trọng tâm của ngành nông nghiệp.

“Các đồng chí hết sức tập trung trong năm 2016 này, trong 5 năm tới làm cho chuyển biến rõ nét lĩnh vực nông lâm trường mà cả nước cảm nhận được cái này, chứ không thể để kéo dài tình trạng lúc nào cũng bị phê phán nông lâm trường kém hiệu quả, sử dụng đất đai kém hiệu quả…”, Thủ tướng nói.

100115_nongtruong2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân; sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước gắn với huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục triển khai và tạo bước chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai gắn với hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên…