Dùng nước sông ô nhiễm

ThienNhien.Net – Hàng ngàn hộ dân thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai hằng ngày phải dùng nguồn nước ô nhiễm từ dòng sông Ba để sinh hoạt

Sông Ba, đoạn chảy qua tỉnh Gia Lai, đang dần trở thành dòng sông “chết” từ khi thủy điện An Khê – Ka Nak tích nước, chuyển dòng. Cùng với đó là nước thải của hàng chục nhà máy xả ra khiến nguồn nước dòng sông này càng bị ô nhiễm nặng.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Từ năm 2011, khi thủy điện An Khê – Ka Nak lấy nước sông Ba nhưng trả về sông Kôn, vào mùa khô, nguồn nước của sông Ba bị cạn kiệt. Cũng từ đây, ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng khi nhiều nhà máy cùng hàng chục hộ dân làm nghề chà mì xả thải xuống sông Ba.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, một nguyên nhân khác là do trang trại nuôi bò của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai xả nước thải và phân ra đất canh tác của người dân rồi tiếp tục chảy ra dòng sông Ba tại địa phận xã Thành An, thị xã An Khê.

Bể xử lý của Nhà máy Nước An Khê đóng cặn dày khoảng 10 cm, bốc mùi hôi thối
Bể xử lý của Nhà máy Nước An Khê đóng cặn dày khoảng 10 cm, bốc mùi hôi thối

Nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhưng Ban Quản lý (BQL) Nhà máy Nước An Khê vẫn phải sử dụng để cung cấp cho hơn 3.000 hộ dân thị xã An Khê. Khi phát hiện các bể xử lý nước có váng màu vàng, tạo thành lớp cặn dày 10 cm, mùi hôi thối nồng nặc, BQL Nhà máy Nước An Khê đã báo cáo, xin ý kiến cấp trên về việc tạm ngừng cung cấp nước cho người dân vì nghi bị nhiễm E.Coli nặng, dễ gây tiêu chảy cho người dân.

Sau khi lấy mẫu gửi phân tích, kết quả cho thấy nhiều thông số vượt mức cho phép nhiều lần, điển hình như vi khuẩn E.Coli cao hơn từ 2,5 đến 5,8 lần tiêu chuẩn cho phép. Kết luận nêu rõ: “Nước sông không đạt tiêu chuẩn để cấp nước sinh hoạt cho người dân vì chủng E.Coli xuất hiện nhiều, gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân, nếu không được khắc phục thì có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng”.

BQL Nhà máy Nước An Khê có biện pháp khử trùng để bảo đảm nguồn nước cấp cho người dân. Tuy nhiên, do công nghệ của nhà máy lạc hậu nên không giảm được mùi hôi do nguồn nước đầu vào gây nên. “Tuy nước sử dụng trong nhưng nhiều hàm lượng quá cao so với mức cho phép. Theo kết quả kiểm nghiệm mới đây, chất lượng nguồn nước vẫn không đạt” – ông Đỗ Tấn Hiệp, Trưởng BQL Nhà máy Nước An Khê, thừa nhận.

Phải trả nước về hạ du

Theo ông Hiệp, hiện mỗi ngày nhà máy cung cấp khoảng 1.500 m3 nước. Trước việc nguồn nước sông Ba bị ô nhiễm, BQL Nhà máy Nước An Khê đã cho người dân biết và khuyến cáo chỉ nên sử dụng để tắm rửa, tưới cây chứ không nên uống, nấu ăn. “Nếu Nhà máy Thủy điện An Khê – Ka Nak không xả nước và các doanh nghiệp không kiểm soát nguồn nước ô nhiễm thì tình trạng ô nhiễm sẽ vẫn tiếp diễn” – ông Hiệp nói.

Vào ngày 20-9, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do trại bò của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai gây ra, hàng trăm người dân ở xã Thành An đã đồng ký đơn kiến nghị chính quyền địa phương can thiệp. Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra các nhà máy trong khu vực, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Qua kiểm tra, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai 400 triệu đồng vì khi thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt tại xã Thành An đã không bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có công văn yêu cầu Nhà máy Thủy điện An Khê – Ka Nak trả nước về hạ du nhằm bảo đảm lưu lượng để cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh và giảm thiểu ô nhiễm cho sông Ba.

Cần 150 tỉ đồng xây nhà máy nước

Để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, UBND tỉnh Gia Lai đang tìm nhà đầu tư nhằm cải tạo nhà máy nước theo hình thức BOT. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị quan tâm về nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị xã An Khê với công suất 8.000-10.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước được lấy trên đập An Khê – Ka Nak để không bị ô nhiễm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 150 tỉ đồng.