Kit thử nhanh chất cấm trong thực phẩm: Dương tính “ảo” quá nhiều

ThienNhien.Net – Bộ NNPTNT đang triển khai tổ chức thí điểm bố trí các thiết bị kit thử nhanh được công nhận của ngành y tế để người tiêu dùng có điều kiện sử dụng dịch vụ thử nhanh trong lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng đang bộc lộ một số bất cập.

Dương tính “ảo” quá nhiều

Là một trong những địa phương triển khai kiểm tra chất cấm bằng phương pháp test nhanh, Sở NNPTNT Hà Nội đã mua 600 testkit Clenbuterol và Salbutamol để tổ chức làm test kiểm tra nhanh giám sát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi thuộc nhóm Beta-agonist bằng cách thử nhanh nước tiểu gia súc tại cơ sở giết mổ.

Sau 3 đợt kiểm tra test nhanh tại cơ sở giết mổ, Sở NNPTNT Hà Nội đã kiểm thực hiện tổng số 404 test, kết quả có 21 mẫu dương tính với chất cấm. Bộ phận chức năng đã đem 21 mẫu dương tính trên gửi phân tích đều cho kết quả âm tính.

Với 237 mẫu thịt được kiểm tra các chỉ tiêu sinh, lý, hóa, vi sinh vật và tồn dư chất cấm trong các mẫu thịt tại các chợ đầu mối, kết quả có 5 mẫu dương tính nhưng dư lượng Salbutamol đều có kết quả phân tích thấp hơn mức giới hạn.

Người chăn nuôi có thể sử dụng kit thử nhanh để kiểm tra tồn dư chất cấm trong nguồn hàng thức ăn chăn nuôi.
Người chăn nuôi có thể sử dụng kit thử nhanh để kiểm tra tồn dư chất cấm trong nguồn hàng thức ăn chăn nuôi.

Theo Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An, qua triển khai các test thử nhanh, kết quả sai số ban đầu xấp xỉ 10%. Nhiều mẫu có kết quả dương tính ban đầu, khi kiểm tra lại tại phòng thí nghiệm đã cho kết quả âm tính. Việc cho ra sai số này đã khiến cán bộ chuyên trách gặp không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

Có nên áp dụng đại trà?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT cũng cho rằng, kit xét nghiệm nhanh là những bộ kit cho phép xác nhận nhanh sự hiện diện của một hóa chất nhất định trong một nền mẫu. Các phép thử nhanh này hiện được đánh giá chỉ có tính sàng lọc, chưa đươc công nhận là phương pháp thử nghiệm chính thống bộ kit thử nhanh cho kết quả sai số quá nhiều, nên không thể dùng để làm căn cứ xử phạt.

Bộ kit này chỉ được sử dụng để cho kết quả nhanh ban đầu, nhằm khoanh vùng sản phẩm, nhằm sàng lọc ban đầu phục vụ cho kiểm tra chuyên sâu, nhằm đáp ứng được điều kiện VSATTP, đồng thời không tạo nên những vụ xử lý sai, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và các cơ sở kinh doanh.

Bà Thủy cũng cho rằng, kết quả dương tính giả trong bộ kit thử nhanh ở mức 10-20% như hiện nay là quá cao, cần thận trọng cân nhắc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết hiện nay Bộ đang cho triển khai thí điểm kit thử nhanh tại các tỉnh, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hoa, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh…, nếu kết quả tốt, chất lượng đảm bảo có thể áp dụng đại trà.

151215_chatcam1
Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi chưa điều chỉnh Thông tư 57 thì không thể dùng kết quả từ kit thử nhanh để xử phạt. Bộ kit thử nhanh sẽ hỗ trợ người chăn nuôi tự xét nghiệm trên đàn gia súc của mình, từ đó xác định được nguồn thức ăn chăn nuôi đang được sử dụng có dùng chất cấm hay không. Các thương lái cũng có thể dùng các kit thử nhanh này để sàng lọc, chọn mua nguồn hàng sạch.

Bà Đinh Thị Phương Khanh cũng cho rằng các kit thử nhanh hiện đang được sử dụng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhà sản xuất chưa công bố chất lượng, với giá từ 1,2-1,4 triệu đồng/bộ 20 kit. So với việc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hết 300-400.000 đồng/mẫu thì giá này quá rẻ. Tuy nhiên, khi nhà sản xuất chưa công bố chất lượng, thì không nên áp dụng đại trà để làm căn cứ xử phạt, nhất là khi chỉ số dương tính giả từ bộ test nhanh này còn quá cao.

Nguồn: