Thành phố Hồ Chí Minh: Kẹt xe, vứt rác, phóng uế bừa bãi vẫn tiếp diễn

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chọn năm 2008 là Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Nếu thực hiện thì văn minh đô thị có vô vàn chuyện phải làm, bắt đầu từ những thói quen hàng ngày của người dân đến các động thái của chính quyền…

Kẹt xe, rác thải là chuyện hàng ngày của thành phố. Mỗi khi ra đường người dân mang tâm trạng ngán ngẩm vì nạn kẹt xe kéo dài. Đi đường nào cũng thấy người và xe chật cứng. Khói bụi, hơi người, hơi xe đã nồng nặc mà thường xuyên nghe tiếng cãi cọ, tiếng chửi thề trong đám người kẹt xe.

Ai cũng tranh thủ lấn đường đi, va quẹt vào xe người khác. Thỉnh thoảng, trong đám kẹt xe có tiếng ai đó cất lên: “Tắt máy xe cho đỡ ồn chút đi bà con ơi!”, một số người làm theo nhưng cũng có vài người cau có buông lời khó nghe.

Chuyện phóng uế ngoài đường phố vẫn không giảm. Khi quận 1 ra quân “dọn dẹp” người phóng uế ngoài đường phố thì chỉ riêng quận 1 giảm, người đi đường không dám “xả” bậy ngoài khu vực này nữa nhưng rải rác nhiều tuyến đường ở các quận khác vẫn còn.

Đây là chuyện cực kỳ tế nhị đã được đem ra “mổ xẻ” để giải quyết nhưng vẫn không làm triệt để được. Sắp tới, các quận còn lại sẽ quyết liệt xử phạt, quay phim… để ngăn ngừa hành vi không lấy làm đẹp mắt này.

Nói về chuyện này thì không chỉ đề cập đến ý thức của người đi đường. Ý thức là một chuyện nhưng quan trọng là các cấp chính quyền đã giải quyết vấn đề này ra sao.

Quận 1 có khoảng 40 nhà vệ sinh công cộng nhưng số nhà vệ sinh công cộng này được sử dụng không hết công năng. Chỉ riêng việc đi vệ sinh cũng rất nhiêu khê: gởi xe 2 ngàn, gởi nón bảo hiểm 1 ngàn, tiền phí vệ sinh 2 hoặc 3 ngàn. Bị mất khá nhiều tiền nhưng vào bên trong thì rất… hỡi ôi. Công cộng nên mọi thứ bên trong cũng rất… công cộng, dơ bẩn, chật chội.

Chưa kể các quận khác nhà vệ sinh công cộng đếm trên đầu ngón tay. Trách gì nhiều người chọn cách “giải quyết” bên ngoài vừa đỡ tốn tiền vừa nhanh gọn.

Vấn đề rác cũng là chuyện dài chưa có hồi kết. Thùng rác đặt không thích hợp, nơi ít người qua lại thì nhiều, nơi đông đúc thì tìm mỏi mắt không ra thùng rác nào. Nhiều người có nhu cầu vứt rác chạy tìm khu vực quanh đó không có đành phải vứt đại nơi gốc cây, ghế đá.

Các thùng rác nhỏ hiện nay không thể nhận hết rác thải mà chỉ là loại rác nhỏ, đơn giản. Ngoài đường phố, ngay bên cạnh thùng rác là một loạt bọc rác nằm bên dưới gây ra mùi hôi hám, nhìn rất phản cảm.

Ngay tại trước cửa các phòng chiếu phim cũng không hơn, các thùng rác quá nhỏ để bỏ một chai nước không, một hộp nhựa vào nên bên cạnh thùng rác có nhiều bọc rác để bên ngoài là chuyện cũng không có gì lạ.

Tại sao thành phố đã có nhà vệ sinh công cộng, đã có nhiều thùng rác mà vẫn còn tình trạng phóng uế ngoài đường, bỏ rác bừa bãi? Chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào.

 
Sắp tới các quận huyện TP.HCM sẽ kiên quyết “”xóa hình ảnh không đẹp mắt này.

Khi được hỏi vấn đề này, một người dân thẳng thắn bày tỏ: “Đừng nói chúng tôi vô ý thức. Chẳng ai muốn làm chuyện thiếu tế nhị này ngoài đường, chưa kể nguy cơ mất xe như chơi. Nhưng thành phố này đâu phải có nhiều nhà vệ sinh công cộng? Mà nếu có thì nó cũng dơ không thể chịu nổi. Mất tiền chúng tôi không ngán nhưng dịch vụ đó cũng nên tương xứng với mức thu chứ”.

Một người khác chỉ vào câu “Hãy bỏ rác vào đây” bên cạnh thùng rác bảo: “Sang Singapore thấy thùng rác của người ta lịch sự làm sao: Hãy cho tôi xin rác! Giá mà mình cũng nói vậy nghe nhẹ nhàng hơn”.

Giải quyết như thế nào?

Vận động, tuyên truyền kết hợp với hình thức chế tài, đó là cách hiệu quả nhất đối với hành vi gây mất mỹ quan đô thị.

Ông Dương Quang Thọ – Trưởng phòng tuyên truyền của Sở Tư pháp TP.HCM hiến kế: “Nên treo các băng rôn tuyên truyền ngay trước các trụ đèn xanh đỏ, ngay trước các thùng rác, đại để như hành vi vượt đèn đỏ, xả rác bừa bãi hay phóng uế nơi công cộng bị phạt bao nhiêu tiền theo văn bản pháp luật nào. Trước các cổng trường treo băng rôn tuyên truyền học sinh – sinh viên không có giấy phép lái xe thì bị giam xe bao nhiêu ngày… chứ không phải đơn giản chỉ là mấy câu giống như khẩu hiệu suông: An toàn là bạn tai nạn là thù, Xin đừng xả rác bừa bãi…”

Hiện tại, ngay cung đường Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, các băng rôn của MobiFone cũng đã thực hiện điều này. Không ít người dân giật mình trước hành vi thường ngày của mình sẽ bị phạt tiền như xả rác, đổ nước thải…

Để góp phần giải quyết phần “ngọn” – là ý thức người dân – Trung tâm Văn hóa TP.HCM đã cho mở cuộc thi sáng tác tiểu phẩm sân khấu, tấu, chặp cải lương cho các đối tượng trong và ngoài thành phố (thời gian nhận tác phẩm từ 19/03 – 01/08/2008).

Nội dung bao gồm đề cao ý thức chấp hành pháp luật, phê phán hành vi không văn hóa, biểu dương người tốt việc tốt… Phía ngành văn hóa mong muốn góp phần tuyên truyền đến người dân thông qua loại hình sân khấu.

Tuy nhiên, văn minh đô thị không chỉ là chuyện của ngành văn hóa thông tin mà còn là chuyện của nhiều ban ngành đoàn thể. Cả xã hội cùng chung tay thực hiện thì mỗi ngày thành phố chúng ta sẽ đẹp và văn minh hơn.

Nói như ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng Văn hóa, Sở VH – TT TP.HCM thì văn minh đô thị không chỉ thực hiện trong năm 2008 rồi dừng mà phải làm xuyên suốt.

Và rõ ràng, trước khi kêu gọi hành vi văn hóa của người dân thì chính quyền phải tạo điều kiện để người dân thể hiện ý thức của mình. Sống trong một thành phố ngày càng văn minh, lịch sự chẳng người nào muốn mình đi ngược lại điều mà cả thành phố đang hướng tới.