Xóa sổ nuôi nhốt gấu và những kinh nghiệm từ Quảng Ninh

ThienNhien.Net – Trong 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay, Quảng Ninh đã chuyển giao thành công 33 cá thể gấu cuối cùng của 19 chủ nuôi về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, xóa sổ hoàn toàn nạn nuôi gấu lấy mật từng nhức nhối một thời.

Ngày 3-12, tại TP Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, chuyển giao gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam ở Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Hành trình quyết liệt

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, Quảng Ninh từng nổi tiếng bởi hai tệ nạn nhức nhối là buôn lậu than và nuôi gấu lấy mật, thì nay đã xóa sổ hoàn toàn được nạn nuôi nhốt gấu.

Từ mấy trăm cá thể gấu bị hút mật, khi bị cấm hút mật thì gấu bị bỏ đói, chết dần chết mòn cho đến khi Quảng Ninh chỉ còn mấy chục cá thể. Sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh đã chi hơn 200 triệu đồng để vận động các chủ nuôi gấu trả gấu về khu bán hoang dã của Trung tâm cứu hộ gấu. “Từ nay tôi khẳng định không còn chuyện nuôi gấu hay hút mật ở Quảng Ninh nữa”, ông Hậu nói.

Hành trình thuyết phục người dân giao nộp 33 cá thể gấu cuối cùng của Quảng Ninh được các cán bộ kiểm lâm kể lại là một chặng đường gian nan nhưng kiên quyết, do có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Nhiều hộ gia đình không chịu giao nộp vì họ nuôi gấu như thú cưng trong nhà và không hề hút mật gấu. Họ đưa ra nhiều lý do để không chịu giao nộp, nhưng nhờ sự kiên trì thuyết phục của các cán bộ kiểm lâm, cá thể gấu cuối cùng đã được chủ hộ tự nguyện giao nộp vào ngày 30-10 vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị, bà Jill Robinson, Tổng giám đốc Tổ chức Động vật châu Á cho biết, từ năm 2007, tổ chức này đã bắt đầu thu thập chứng cứ việc các trang trại chích hút và bán mật gấu trái phép cho du khách du lịch, nhất là người Hàn Quốc.

Tổ chức AAF trao tặng bức tượng gấu cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Tổ chức AAF trao tặng bức tượng gấu cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Trên cơ sở thông tin có được, năm 2010, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã “bắt tay” thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng, chính quyền và du khách trong việc phản đối nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.

Nhờ đó, sau 5 năm vận động, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển giao toàn bộ số gấu trên địa bàn Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Dốc sức cho chiến dịch, đến nay, 33 cá thể gấu nuôi trên địa bàn tỉnh này đã được cứu hộ an toàn, di trú về chăm sóc tại “ngôi nhà gấu” lớn nhất ở Việt Nam.

PGS, TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á, Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cho biết, công tác cứu hộ toàn bộ số gấu về Tam Đảo gặp nhiều khó khăn vì địa bàn 19 hộ nuôi gấu nằm rải rác, có 5 hộ nuôi gấu đoàn phải đến hai lần mới cứu được toàn bộ số gấu.

Trong số 33 cá thể gấu Quảng Ninh được cứu hộ, có một cá thể đã tử vong do bị u não. 9 cá thể trong số 32 cá thể gấu còn lại đang được cách ly, 20 cá thể gấu đã được bác sĩ thú y khám sức khỏe và đang điều trị để hồi phục.

UBND tỉnh Quảng Ninh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến dịch xóa sổ nạn nuôi gấu lấy mật.
UBND tỉnh Quảng Ninh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến dịch xóa sổ nạn nuôi gấu lấy mật.

Bài học kinh nghiệm để xóa sổ nuôi gấu trên toàn quốc

“Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dẫn đầu trong việc bảo vệ các loài gấu châu Á. Hy vọng, qua thành công trong công tác cứu hộ gấu ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam có thể nhanh chóng chấm dứt hoạt động của các trại gấu trên toàn quốc và đảm bảo rằng khoảng 1.200 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước sẽ không phải chịu thêm cảnh khổ đau”, bà Jill Robinson chia sẻ.
Tại hội nghị, từ thành công của Quảng Ninh, các đại biểu tiếp tục bàn về những kinh nghiệm rút ra từ tỉnh này để tiến tới mục tiêu xóa sổ nạn nuôi nhốt gấu trên toàn quốc được đặt ra vào năm 2020.

“Cứu hộ gấu là một việc quan trọng, nhưng vấn đề cần thiết hơn là con người cần bảo vệ một môi trường sinh thái cân bằng, để những động vật hoang dã được sống với thiên nhiên hoang dã”, ông Đặng Huy Hậu nói.

Đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiêp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) rút ra những bài học từ thành công của Quảng Ninh. Đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, răn đe dựa trên các quy định của pháp luật và đưa ra những biện pháp cứng rắn, kiên quyết mới đạt được kết quả. Thêm nữa, cần sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt từ trung ương tới địa phương cho đến những cán bộ công an, kiểm lâm thực thi nhiệm vụ.

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị phía Tổ chức Động vật châu Á chăm sóc tốt những cá thể gấu được cứu hộ, để người giao nộp gấu tin tưởng và đồng tình. Đối với các chủ gấu, ngoài các biện pháp mạnh, cần có hình thức động viên hợp lý để họ tự nguyện giao nộp gấu, đưa gấu trở về sống trong thiên nhiên hoang dã vốn là “nhà” của chúng.

Ông Cao Chí Công cho biết, sau khi tổng kết những kinh nghiệm từ Quảng Ninh, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ lên kế hoạch để chuyển giao hơn 1.200 cá thể gấu đang nuôi nhốt trên toàn quốc về các trung tâm cứu hộ, xóa sổ hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu vào năm 2020 như mục tiêu đặt ra.