"Công nghệ tận diệt” đàn cò

Đi dọc quốc 1, đoạn qua huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình, những người không biết cứ tưởng có hàng ngàn con cò đang mải mê kiếm ăn trên cánh đồng, đậu từng bầy trắng trời non nước. Tất cả đã bị đánh lừa bởi đó chỉ là đàn cò giả làm bằng xốp để mồi cò thật. Biết ra mới thốt lên chua xót rằng con người còn không nhận ra huống chi những chú cò con. Đó là công nghệ bẫy cò rất tàn nhẫn đang diễn ra rầm rộ ở miền quê yên bình này.

Hơn 9 giờ sáng, nhóm 5 người ở xã Đồng Trạch bẫy được gần 20 con cò và thợm (loại chim nhỏ hơn cò, đầu và phần thân nửa trên có màu nâu xám). Bụi tre to đầu đường dẫn ra ruộng được nhóm chọn làm “đại bản doanh”, ngồi dưới bóng tre vừa mát nhưng cũng để che mắt cò. Bao nhiêu chiến lợi phẩm thu được họ giấu vào gốc tre sát mép nước cho mát và không bị chết nắng. Một bầu rượu trắng, một cốc thủy tinh nhỏ, một tô cò rim với sả đặt chính giữa mảng đất lổm nhổm sỏi lẫn bùn. Chỉ cần chừng ấy các tay săn cò chuyên nghiệp có thể lai rai cả ngày mà bắt cò.


Cách bắt cò của họ khá công phu là làm những con cò giả cắm thành đám trên ruộng theo mật độ thích hợp rồi cắm những que tre quệt đầy keo xen giữa các con cò giả. Nó như lớp chông tàng hình tua tủa chổng đứng, đến gần mới thấy rùng rợn. Khi lũ cò bay trên trời thấy có nhiều “bạn” ở dưới mà chao xuống thì dính ngay vào lớp keo dẻo quẹo. Việc sử dụng keo để bẫy cò đã có “truyền thống” ở vùng này như một số người tự hào là nghề gia truyền. Nhưng ngày trước các cụ không hề nghĩ ra cách làm cò giả như bây giờ. Và khi đã làm vài ly rượu vào thì cơ sự này cũng được họ tự hào nào là “kế thừa và phát huy, cải tiến hết sức hiện đại” công nghệ bẫy.


Nhiều người cho rằng, nghề này xuất phát từ một vài xã của huyện Quảng Trạch vì họ mua keo ở ngoài đó. Cũng có thể loại keo này dùng vào việc khác nhưng được các tay săn cò nghĩ ra cách dùng để lừa cho cò dính vào. Keo được làm khá công phu, đầu tiên phải lên rừng lấy vỏ một thứ cây mang về giã nhỏ rồi chưng cất với nước cho đặc sệt. Một tay bẫy cò cho biết: “Mua một lon keo của mấy người từ Ba Đồn vô bán mất 30 nghìn đồng, mua xốp cho làm một con cò giả hết 1 nghìn đồng nữa. Thân cò làm bằng loại xốp loãng từ xốp mảng còn phần đầu phải làm bằng xốp đặc cắt ra từ các thùng đựng đồ đã hỏng”.


Thương lái sẽ đến tận nơi lấy hàng với giá 15 nghìn đồng một con cò, thợm thì rẻ hơn vì nhỏ hơn cò, chỉ 10 nghìn một con nhưng thịt thợm ăn chắc và thơm hơn. Nghề này làm từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 10, bởi cò chỉ về trong khoảng thời gian đó. 4 giờ sáng đã dậy đi cắm cò mồi đến 6 giờ chiều thì nhổ mang về, ngày nhiều thì được vài chục con, ít thì 5-7 con.


Khó có thể tưởng tượng nổi cò mồi nhiều đến mức độ nào, ken đặc cánh đồng của các xã Đại Trạch, Trung Trạch, Đồng Trạch, Bắc Trạch… Mới đếm sơ qua đã gần 50 đám, bình quân mỗi đám trên dưới 100 con mà nhân lên sẽ thấy cò mồi trắng cánh đồng nhỏ. Mỗi lần có bầy cò nào bay tới, những chủ nhân của cò mồi ồ lên mấy tiếng mừng ra mặt. Còn lúc đàn cò vỗ cánh để đáp xuống thì khỏi phải nói sự sung sướng của họ, mấy người luôn miệng: “Rồi! Rồi! Rứa là xong”. Tiếng thở dài tiếc rẻ chỉ khi đàn cò ít ỏi trên bầu trời xanh bay thẳng hay sà xuống giữa vạt ruộng trống không có bẫy cò mồi.


Một người tên Bảy ra vẻ thận trọng khi nói về bí quyết tóm gọn được đàn cò nếu lỡ sa vào giữa đám cò mồi: “Phải đoán xem hôm nay gió hướng nào thì sẽ cắm cò mồi như đang đứng ăn theo hướng đó và với mật độ vừa phải, không dày không thưa, nhất là phải chú ý cắm que tre dính keo chĩa theo hướng cò sẽ sà xuống. Cũng không nên cắm que dày vì cò sẽ dễ nhận ra”.


Họ còn dùng chính con thợm thật khỏe mạnh đã bắt được để làm mồi nhử bằng cách cắm một cọc tre ở vòng ngoài đám cò giả rồi cho thợm đậu lên đó. Con thợm này bị buộc dây cước ở chân, kéo dài vào chỗ người ngồi, thỉnh thoảng họ lại giật giật dây cước cho thợm vỗ cánh để nhử các chú thợm, cò sa vào bẫy.


Bảy vừa dứt lời thì có mấy con cò xấu số đã lượn đến, chao liệng chuẩn bị sà xuống đám cò mồi của anh mà không biết cái bẫy chết đang chực chờ phía dưới. Không hề vội vàng, một lúc sau anh mới thong thả ra lấy vì biết chắc cò đã dính vào loại keo ấy thì không thể nào thoát được. Anh trở vào với những con cò mảnh mai có bộ lông trắng tinh bị túm chân không chút vùng vẫy. Khi bắt được cò, họ dùng dây trói chân cho khỏi chạy, sau đó đến công đoạn khâu mắt với lý do để cò không mổ được.


Thật không hiểu nổi những chú cò yếu ớt đã dính keo thì có thể mổ được ai? Một người khác tự xưng là “Bảy sẹo” liền trình diễn quy trình khâu mắt cò theo các bước sau: Một tay túm đầu, tay kia lấy móng chân cò chọc thủng mí của hai con mắt cò rồi nhổ lông cánh buộc vòng qua đầu mí hai con mắt lại với nhau. Đến nước này thì mấy chú cò tội nghiệp giẫy giụa trong tuyệt vọng. Đôi mắt như mù còn thoát đâu được. Cho nên có con bị sút dây buộc chân đứng dậy đi cũng chẳng ai buồn bắt mà buông câu: “Bay mô được nữa mà sợ”.


Chiều chớm đông, từ các bà nội trợ đến dân nhậu ở thành phố Đồng Hới đều kháo nhau một loại thịt, loại mồi mới xuất hiện ăn rất ngon mà giá lại rẻ đó là cò. Giá một con đã nhổ lông ở chợ chỉ hai đến ba mươi nghìn đồng. Một sự đối lập không thể xót xa hơn khi có rất nhiều nơi, nhiều người đang ra sức bảo vệ, xây dựng những khu sinh thái cho đàn cò đến trú ngụ. Làng Mai Xá ở tỉnh Quảng Trị có hẳn những luật lệ riêng để bảo vệ cò.


Vì sao những tay săn cò kia không chung sức xây dựng ít nhất là một đảo cò để phát triển du lịch kiểu như đảo cò Chi Lăng Nam ở Hải Dương vậy. Khi đó, không chỉ nhóm người nhỏ ấy được hưởng lợi về kinh tế và môi trường mà còn cho toàn thể xã hội. Nguồn thu này hơn gấp nhiều lần cái lý “tranh thủ kiếm thêm chứ làm nông có ăn thua vào đâu”, chưa nói đến chuyện hủy hoại thiên nhiên. Giọt nước mắt không thành dòng của những chú cò tội nghiệp đang khẩn thiết cầu cứu chính quyền huyện Bố Trạch phải nghiêm cấm việc săn bắt trên.