“Cuộc chiến” không cân sức giữa đại ngàn gỗ nghiến – Bài 1

ThienNhien.Net – Nhiều cánh rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trong khu vực huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đang chảy máu trầm trọng trước tình trạng phá rừng của đội ngũ lâm tặc trên địa bàn.

“Người dẫn đường” bí ẩn

Tin tức mà phóng viên báo Người đưa tin nhận được, gần đây, trên địa bàn xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xuất hiện nhiều “tụ điểm” bị các đối tượng “lâm tặc” lùng sục để khai thác gỗ rừng trái phép. Thế nhưng, khi “máu rừng” vẫn đang tiếp tục chảy thì chính quyền địa phương vẫn chưa hề hay biết.

Người dân địa phương cho biết, trước đây khu vực rừng tại huyện Lâm Bình vô vàn các loại gỗ quý. Nhiều cây nghiến cổ thụ chót vót vươn cao giữa đại ngàn. Nhưng do tình trạng khai thác gỗ một cách ồ ạt, những cây gỗ cổ thụ hiện nay không còn nhiều. Chỉ còn những cây nằm xa trên đỉnh núi, do vận chuyển khó khăn mới may mắn còn tồn tại đến bây giờ.

Những cây nghiến mới bị "xẻ thịt"
Những cây nghiến mới bị “xẻ thịt”

Khi gỗ nghiến ngày càng cạn biệt, những cây gỗ dễ dàng vận chuyển thì đã được đội ngũ lâm tặc “dọn sạch”, chúng để ý đến những cây gỗ ở những khu vực xa hơn, khó tiếp cận hơn ở tít sâu trong những cánh rừng đặc dụng.

Để tiếp cận được khu vực mà bọn lâm tặc đang hoành hành thật chẳng dễ dàng, vì khi xuất hiện thấy người lạ, lâm tặc sẵn sàng “xử êm” nếu như phát hiện quay phim chụp ảnh. Để vào rừng, chúng tôi phải thuê “người dẫn đường”, mọi hành động và nhất cử nhất động của chúng tôi phải tuân theo hướng dẫn của người này nếu như muốn an toàn.

Theo chân "người dẫn đường"
Theo chân “người dẫn đường”

Theo “người dẫn đường” tên C, thì quanh khu vực bìa rừng luôn có nhiều nhóm người tụ tập và liên tục để ý theo dõi người lạ mặt. Trong số những người đó, gồm lâm tặc và “siêu” lâm tặc. Những hành động của các anh sẽ luôn bị để ý, theo dõi. Nếu phát hiện là phóng viên thì các anh sẽ bị “xử êm” tại rừng. Nên mang máy ảnh hay ba lô đi vào rừng là một điều cực kỳ nguy hiểm…”

Sau vài giờ đồng hồ vật lộn trên đường rừng gồ ghề, PV đã thâm nhập được những “điểm nóng”, nơi thường xuyên lâm tặc xuất hiện. Trên đường đi, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến những cây nghiến có hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi bị cưa đổ. Nhiều cây vừa bị lấy đi phần thân nên gốc vẫn còn chảy nhựa. Quanh đó, những vỏ can xăng, chai nhớt vứt tràn lan, dấu vết để lại của lâm tặc có mặt tại đây vài ngày trước.

Trong bán kính khoảng vài trăm mét, hiện trường còn ngổn ngang những tấm ván không có giá trị còn sót lại, vứt tràn lan khắp rừng.

“Băm nát” rừng xanh

Địa điểm mà chúng tôi dừng lại quan sát nằm trên đỉnh một ngọn núi thuộc khu vực Lũng Lừa (tên gọi của người dân địa phương) thuộc xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Nơi có nhiều cây nghiến đã bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển chỉ còn trơ gốc và nhiều cây nghiến cổ thụ đang chờ bị “xẻ thịt”.

Gốc nghiến vừa bị đốn hạ, nhựa vẫn chảy
Gốc nghiến vừa bị đốn hạ, nhựa vẫn chảy

Trên đường tìm đến địa điểm nói trên, rất nhiều khúc gỗ nghiến vuông vức bị các đối tượng lâm tặc bỏ lại vì một lý do nào đó. Nhiều mẩu gỗ nằm ngổn ngang trên các con suối, là những mẩu gỗ thừa sau quá trình xẻ nghiến làm thớt bị bỏ lại.

Theo quan sát, rất nhiều cây nghiến đã bị “xẻ thịt” chỉ còn trơ gốc nằm trong bán kính chỉ vài trăm mét. Nhiều cây gỗ mới bị cắt hạ, nhựa vẫn đang chảy ra kết dính thành từng cục.

Anh C cho biết: “Cả khu vữ xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình này thì may ra chỉ còn khu vực này con nghiến để khai thác. Bên kia núi cũng vẫn còn nhưng cây nhỏ hơn, trong khi lại gần khu vực có đồn trú của kiểm lâm nên lâm tặc không dám bén mảng tới. Tuy nhiên, tôi nghe anh e đi rừng nói khu vực đó vẫn có nhiều cây bị đốn hạ vì đã được sự “bảo kê” của “siêu” lâm tặc.

Chiếc lều tạm được dựng bên cây nghiến cổ thụ
Chiếc lều tạm được dựng bên cây nghiến cổ thụ

Phải nhìn tận mắt khu vực bị lâm tặc hạ nghiến mới thấy được sự chuyên nghiệp của đội ngũ lâm tặc tại địa phương này. Có lẽ vì giá trị kinh tế của gỗ nghiến ngoàithị trường quá lớn nên bọn lâm tặc mới bất chấp gian khổ để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Thậm chí, lâm tặc còn không tiếc tay chặt hạ những cây gỗ nhỏ trong rừng để bắc thành đường vắt qua khe suối sâu thăm thẳm.

Khi chúng tôi đến nơi bên những gốc cây đã bị lâm tặc đốn hạ và vẩn chuyển chỉ cách đó vài ngày. Những chiếc lều tạm bợ được dựng lên bên cạnh những cây gỗ nghiến cổ thụ sừng sững giữa rừng. Chỉ tay vào chiếc lều tạm bợ được chắp vá bằng những cành cây nhỏ, anh C cười bảo: “Cây này đang vào tầm ngắm của lâm tặc rồi, chúng dựng lều ở đây thì chắc vài hôm nữa là cây này lại bị đốn hạ thôi. Thoát làm sao được…”

Còn nữa…