Nguy cơ thủy điện Mê Kông – Kỳ II

 Kỳ II: Những kế hoạch nguy hiểm

ThienNhien.Net – Ngoại trừ 6 đập thủy điện mà Trung Quốc đã hoàn thành ở thượng nguồn sông Mê Kông, bàn tay nhà thầu Trung Quốc tiếp tục nhúng vào kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên vùng hạ lưu vực con sông này (9 đập ở Lào và 2 đập ở Campuchia). Nhìn vào bản đồ định vị của các đập, dòng Mê Kông cứ như bị băm nát ra từng đoạn. Khó có thể lường hết hậu quả về môi trường, biến đổi khí hậu, lượng cá sụt giảm cùng sinh kế của hơn 60 triệu dân sống phụ thuộc vào con sông lớn nhất Đông Nam Á.

>> Nguy cơ thủy điện Mê Kông – Kỳ I: Thấy gì qua mùa lũ thấp kỷ lục?

Tham vọng của Trung Quốc

Trong khi các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia ký kết Hiệp định Mê Kông năm 1995, tham gia vào Ủy hội sông Mê Kông (MRC) để tìm tiếng nói chung thì Trung Quốc và Myanmar chỉ tham gia với tư cách “các bên đối thoại”. Myanmar vốn chỉ chiếm 3% (24.000km2) so toàn lưu vực Mê Kông, đứng ngoài cuộc đã đành, còn Trung Quốc chiếm đến 24% lưu vực (165.000km2), đóng góp 16% dòng chảy nhưng vẫn cứ… thích chơi một mình. TS. Đào Trọng Tứ, từng giữ vai trò quyền Thư ký điều hành và Giám đốc Vụ Dự án – Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRCS), cho rằng, một trong những lý do khiến Trung Quốc không tham gia hợp tác Mê Kông chính là muốn được phát triển nguồn tài nguyên thủy điện một cách tự do, tránh sự nhòm ngó và can thiệp của các nước hạ lưu.

251115_thuydienmekong1

Xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông chắc chắn tác động đến đời sống người dân
Xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông chắc chắn tác động đến đời sống người dân

Minh chứng cho nhận định trên, TS. Tứ cho biết, từ năm 1993, Trung Quốc đã xây dựng công trình thủy điện đầu tiên ngăn dòng chính sông Mê Kông là Mạn Loan (công suất 1.500MW, dung tích hồ 890 triệu m3), đến năm 1995 là đập Đại Triều Sơn (quy mô tương tự) cùng đập thủy điện Tiểu Loan (công suất 4.200MW, dung tích hồ 15,13 tỷ m3)… “Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện, với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỷ m3. Theo kế hoạch đã được Chính phủ Trung Quốc thông qua, đến năm 2020, trên sông Lan Thương sẽ có 8 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành, với tổng công suất 15.000MW, đáp ứng nhu cầu điện của tỉnh Vân Nam, cung ứng cho các tỉnh Đông Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu) và xuất sang Thái Lan. Đến năm 2040, Trung Quốc dự kiến xây thêm 6 – 7 nhà máy thủy điện nữa cùng các trạm thủy điện trung bình và nhỏ” – TS. Tứ thông tin.

Trước sự lo lắng của các quốc gia hạ lưu, Trung Quốc trấn an rằng, các đập thủy điện của nước này là những hồ chứa điều tiết, tích nước mùa lũ giúp giảm lũ và xả nước mùa kiệt. Tuy nhiên, do giữ nước cung cấp điện, các đập của Trung Quốc đã khiến mùa lũ lẫn mùa kiệt ở hạ lưu đều bị thiếu nước nghiêm trọng.

Bài học từ Thái Lan

Theo các nhà nghiên cứu, do sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc có độ chênh lệch lòng sông rất lớn (hơn 4.000m), lại chẳng hưởng lợi về phù sa, lượng cá nên họ bỏ mặc quyền lợi các nước hạ lưu, tập trung khai thác thủy điện cũng dễ hiểu. Trong khi đó, những quốc gia hạ lưu đang có lợi ích rất lớn về nguồn cá tự nhiên, môi trường sinh thái đa dạng, lượng phù sa khổng lồ mà cũng tham gia chặn dòng Mê Kông để làm thủy điện. TS. Đào Trọng Tứ cho biết, năm 2007 có thể xem là cột mốc quan trọng khi các nước Lào, Campuchia và Thái Lan đã ký hàng loạt biên bản ghi nhớ, tiến hành nghiên cứu xây dựng đập thủy điện, với tổng công suất lắp máy từ 12.920 – 21.300MW. Các hoạt động này đều được thực hiện thông qua hợp tác song phương ngoài khuôn khổ hợp tác Mê Kông, mà phần lớn nhà thầu tham gia đều đến từ Trung Quốc hoặc chi nhánh của công ty Trung Quốc. Đối với Lào và Campuchia, đa phần các hợp đồng thực hiện theo phương án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), tức các nhà thầu “hớt” phần lợi nhuận lên đến hơn 20 năm, rồi mới giao lại Chính phủ (được toàn quyền khai thác nhưng phải gánh khoảng nợ hàng chục tỷ USD cùng chi phí tháo dỡ đập khi công trình hết tuổi thọ). Điện cũng phải cung cấp cho người dân Lào hay Campuchia, mà chủ yếu bán sang Thái Lan.

Trong các quốc gia vùng hạ lưu, Thái Lan gần như đã khai thác toàn bộ tiềm năng thủy điện của dòng nhánh Mê Kông. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong đợi. Có những dự án không khai thác được bao nhiêu điện nhưng lại tàn phá môi trường, hủy hoại nguồn cá, bị người dân biểu tình phản đối do ảnh hưởng cuộc sống của họ. “Mặc cho bài học từ Thái Lan, mặc cho dư luận quốc tế phản đối, mặc cho cảnh báo lượng cá trên sông Mê Kông có thể bị giảm tới 60%, chất dinh dưỡng và phù sa giảm ít nhất 1/2… nhưng Lào vẫn tiến hành xây dựng đập Xayaburi, sắp tới là Don Sahong. Tinh thần hợp tác theo Hiệp định Mê Kông đang bị lu mờ bởi lợi ích quốc gia” – bà Ame Trandem, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nhận định.

“Các quốc gia xây dựng đập thủy điện dường như đang chơi trò cờ bạc đối với sông Mê Kông khi họ định mở một dòng khác để cá đi. Cách này chưa được thử nghiệm, rất dễ thất bại. Tôi nghĩ rằng trước khi đánh bạc, các bên liên quan hãy nhớ đến lời nhắc được gắn trên bàn chơi bài tại Las Vegas: Đừng mạo hiểm những gì bạn không thể để mất” – Ông Jake Bruner, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), so sánh.