Đề xuất cơ chế thị trường trong quản lý chất thải rắn đô thị

ThienNhien.Net – Dịch vụ quản lý chất thải rắn đô thị cần hoạt động theo cơ chế thị trường với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân dưới vai trò điều phối, giám sát của nhà nước thì mới có thể tối thiểu hóa chi phí và đạt được nhiều lợi ích nhất cho xã hội.

Đây là khẳng định được rút ra từ Nghiên cứu “Đánh giá hoạt động quản lý chất thải rắn đô thị tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện từ đầu năm 2015 và vừa được công bố tại hội thảo sáng 10/11.

Nghiên cứu lựa chọn năm đô thị điển hình tại Việt Nam để tiến hành thực địa, gồm: Hà Nội,TP. HCM, TP. Lạng Sơn (thành phố đầu tiên có công ty tư nhân tham gia vào quản lý chất thải rắn), TP. Bắc Ninh (tỉnh đầu tiên có cơ chế quản lý chất thải liên vùng) và TP. Đà Lạt (thành phố du lịch và chủ yếu là chất thải nông nghiệp).

Dựa trên việc nghiên cứu cấu trúc thị trường quản lý chất thải rắn đô thị tại một số nước trên thế giới, trong đó có Singapore và Trung Quốc, đồng thời tập trung phân tích thị trường quản lý chất thải rắn đô thị tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng thay vì phân bổ kinh phí cho các doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải, nhà nước nên dần tiến tới không chi trả chi phí này mà để thị trường tự điều tiết.

Cụ thể: cơ chế điều tiết sẽ được thực hiện theo hướng (i) người dân phải chịu trách nhiệm về lượng chất thải rắn mà mình thải ra, bao gồm toàn bộ chi phí quản lý từ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý chất thải rắn công cộng và một phần kinh phí trợ cấp người nghèo; (ii) các doanh nghiệp thu gom – vận chuyển thu phí quản lý chất thải rắn của người dân, đồng thời nhận kinh phí ổn định theo hợp đồng với chính quyền địa phương về quản lý chất thải rắn công cộng.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/PanNature
Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/PanNature

Để đảm bảo cơ chế được thực hiện hiệu quả, nhóm đề xuất 6 khuyến nghị trong phân đoạn thu gom và vận chuyển chất thải rắn đô thị, 6 khuyến nghị trong phân đoạn xử lý chất thải rắn đô thị, 3 khuyến nghị trong phân đoạn tái chế phi chính thức và một số khuyến nghị khác.

Đáng chú ý trong số các khuyến nghị là đề xuất về phương thức đấu thầu/đặt hàng thu gom – vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Theo đó, ngoại trừ một số vùng cần tính ổn định cao về chính trị hoặc cần đảm bảo an ninh rác thải hoặc khu vực không có đơn vị tham gia đấu thầu thì nhà nước đặt hàng doanh nghiệp nhà nước thu gom, vận chuyển, xử lý, còn lại nên nhường chỗ cho các doanh nhiệp ngoài nhà nước tham gia. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này phải đảm bảo đủ năng lực và nguồn lực mới được đăng ký đấu thầu. Phương thức đấu thầu sẽ được triển khai theo hướng các doanh nghiệp dựa trên mức phí thu gom chất thải rắn mà chính quyền địa phương quy định, phí xử lý chất thải rắn tại khu xử lý đã được chính quyền hợp đồng với khu xử lý và cung đường vận chuyển để đề xuất mức kinh phí mà chính quyền phải chi trả để quản lý chất thải rắn đô thị.

Lý giải thêm về khuyến nghị này, PGS.TS Vũ Sĩ Cường – Trưởng nhóm nghiêncứu nhấn mạnh: Thu gom rác lại là một loại dịch vụ công nênkhông loại trừ trong tiêu dùng tính cạnh tranh không cao. Do vậy, phải tạo cơ chế thị trường nhưng chỉ với một số lượng doanh nghiệp phù hợp (không nên quá nhiều) thì hoạt quản lý thu gom, xử lý chất thải mới tối thiểu hóa được chi phí và đem lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng.

Đề cập đến vai trò của nhà nước, ông Cường cho hay: nhà nước không nên trực tiếp cung cấp dịch vụ cho thị trường mà chỉ nên đóng vai trò tạo cơ chế bình đẳng, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của bên cung ứng. Song song với đó, nhà nước cần theo dõi xu hướng thị trường, từ đó sử dụng các công cụ thể chế như: thuế suất, giá dịch vụ, trợ cấp… cho phù hợp.