Tây Nguyên mong đợi trời mưa

ThienNhien.Net – Kể từ sau Tết Nguyên đán tới nay, nhiều khu vực tại Tây Nguyên lâm vào cảnh khô hạn gay gắt. Thông thường hàng năm, tháng 4, tháng 5 mới khô hạn nặng, nhưng năm nay điều đó đến trước 2 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, dự báo của cơ quan khí tượng, mưa sẽ rơi xuống vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, vì thế vùng đất đỏ bazan đang từng ngày ngóng mưa.

Hồ Tân Điền (Kon Tum) cạn trơ đáy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Hồ Tân Điền (Kon Tum) cạn trơ đáy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Tiếp tục khô hạn

Tại thời điểm này, dù tình hình khô hạn đã bớt gay gắt hơn, nhưng các tỉnh Tây Nguyên vẫn có hàng chục nghìn hécta cà phê bị thiếu nước. Không ít vườn cà phê đã bị chết khô. Trong khi đó, toàn vùng chỉ có trên 2.352 công trình thủy lợi, chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 30% diện tích cà phê. Trong khi tổng lượng mưa tháng trong 3 tháng qua hụt giảm tới gần 50% so với trung bình các năm trước. Từ đó dẫn tới lượng dòng chảy của phần lớn các con sông khu vực Tây Nguyên đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm gần 40%. Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi từ đó cũng giảm, chỉ đạt trung bình khoảng 50-85% so với dung tích thiết kế. Mực nước các hồ thủy điện hầu hết ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5 – 4,5m.

Tại Đăk Lăk, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới thời điểm này toàn tỉnh có tới 102 hồ đập cạn trơ đáy, nhiều sông suối cũng đã kiệt nước, còn mực nước ngầm cũng giảm sâu 3-5m so với cùng kỳ nhiều năm. Hiện Đăk Lăk có 32.000ha cây trồng bị hạn nặng, hơn 3.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tại thôn Xuân Hà, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng (Đăk Lăk), người dân lặng lẽ chờ nước mạch rỉ từ ngay trong lòng sông khô cạn. Để cứu cà phê khỏi chết khát, người dân đã phải dự tính mua nước tưới từ hồ thủy lợi cách đó 1,5 km, mỗi giờ hút nước chuyển về phải trả cho chủ hồ 100.000 đồng. Nhưng chi phí quá lớn nên có muốn mua nước cũng không xong.

Vẫn ở sông Krông Năng, bên kia bờ là thôn Xuân Đạt, xã Phú Xuân, người dân cũng khốn khổ vì khô hạn. Hầu hết các vườn cà phê mới tưới được một đợt, chưa kịp tưới đợt 2 thì con sông đã khô khốc.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng, huyện có trên 26.000ha cà phê nhưng các công trình thủy lợi chỉ đủ tưới khoảng 25% diện tích; 50% diện tích tưới bằng sông, suối tự nhiên; còn lại tưới bằng nước giếng khoan, giếng đào. Con sông Krông Năng chảy qua 7 xã khô kiệt, đồng nghĩa với việc một nửa diện tích cà phê của huyện bị thiếu nước.

Tại Gia Lai, từ xưa tới nay đa số người dân ven sông Ba sống nhờ vào nguồn nước con sông này. Nhưng nay nó cũng đã cạn dòng. Tới làng Dơng (xã Kông Yang, huyện Kông Chro), chứng kiến cảnh người dân đi tìm nước một cách rất mệt mỏi. Nhiều người phải đi ngược dòng sông Ba, cách nhà 5-6 km lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Tại xã Nam Yang, nguồn nước tưới khan hiếm, nhiều gia đình đã khoan giếng nhưng không có nước. Hơn 100ha hồ tiêu trong xã bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Tình hình ở Đăk Nông cũng không khá hơn với cảnh đồng khô, hồ cạn. Hiện lượng dòng chảy các sông, suối suy giảm mạnh, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước từ 15-20%. Lượng dòng chảy trên các sông suối quá thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của 17 đập dâng và 4 hệ thống trạm bơm trên địa hàn hai huyện Cư Jút và Krông Nô. Riêng với sông Krông Nô, 10 trạm bơm thuộc 3 hệ thống bơm Buôn Chóah, Đác Rền, D12 cung cấp nước tưới cho hơn 1.780ha cây trồng, trong đó có đến 1.274 ha lúa nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn nước trữ tại 160 hồ chứa cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt. Các xã Nâm N’Đir, Buôn Choáh, Đắc Nang, Quảng Phú, Nam Đà… huyện Krông Nô rơi vào tình trạng khô hạn nhất.

Nỗ lực tìm kiếm nguồn nước tưới cho cà phê mùa khô hạn.  (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Nỗ lực tìm kiếm nguồn nước tưới cho cà phê mùa khô hạn. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nỗ lực chống hạn và đợi trời mưa

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn đang trong giai đoạn hô hạn nặng, lưu lượng nước về tại hầu hết các hồ thủy điện trong khu vực đều giảm thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, EVN vẫn duy trì khai thác các nhà máy thủy điện để đảm bảo yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Suốt thời gian qua, chính quyền, bà con nông dân cùng các chủ hồ, đập thủy điện, thủy lợi đa gồng mình chống hạn. Cụ thể với Đăk Nông, Cty Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã chủ động thuê thêm nhân công để điều tiết nguồn nước; đắp 48 đập dâng, đập tạm trên suối; lắp đặt máy bơm dã chiến trên 3 công trình thiếu nước là hồ Đắc Mâm, hồ Ea Diêr và hồ Đác Ken.

Dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa sẽ đến muộn hơn với khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ được cải thiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, tời trung tuần tháng 5 sẽ được cải thiện rõ rệt. Vẫn theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tuy dòng chảy của các dòng sông khu vực này tiếp tục giảm, nhưng sẽ hụt ít hơn.

Như vậy, cho dù đang ở vào cao điểm khô hạn, nhưng cũng có thể hy vọng tình hình sẽ đổi khác khi những cơn mưa vàng sẽ đến sớm hơn với Tây Nguyên.