Tăng mức phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân

ThienNhien.Net – Việc Dự thảo BLHS sửa đổi lần này đề xuất quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là vô cùng cần thiết, bởi nếu chỉ áp dụng các chế tài hành chính đối với pháp nhân thì sẽ không đủ sức răn đe, không tương xứng với hậu quả mà các chủ thể này gây ra cũng như khoản lợi bất hợp pháp mà họ thu được từ hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo cần sửa đổi thêm theo hướng tăng nặng mức phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân.

Đơn cử, tại Điều 231 của Dự thảo quy định về Tội gây ô nhiễm môi trường có nêu: cá nhân vi phạm tại Khoản 1 Điều 231 có thể bị phạt từ 1 tỷ – 2 tỷ, pháp nhân thì bị phạt từ 1 tỷ – 3 tỷ; nếu vi phạm Khoản 2 Điều 231, cá nhân bị phạt từ 2 tỷ – 5 tỷ, còn pháp nhân bị phạt 3 tỷ – 5 tỷ… Như vậy, có thể nhận thấy, mức phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân và cá nhân chênh lệch không nhiều, trong khi nguồn lợi mà pháp nhân thu được từ hành vi phạm tội thường lớn hơn rất nhiều so với cá nhân. Do đó, cần tăng mức phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân hoặc mức phạt tiền cần phải dựa trên lợi nhuận, giá trị mà pháp nhân thu được từ hành vi phạm tội.

Khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường (Ảnh chụp tại Hà Giang: Dương Văn Thọ/ThienNhien.Net)
Khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường (Ảnh chụp tại Hà Giang: Dương Văn Thọ/ThienNhien.Net)

Trên thực tế, việc tăng nặng mức phạt tiền đối với pháp nhân trong việc xử lý các vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm về môi trường nói riêng được áp dụng khá phổ biến và hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Singapore – đất nước của màu xanh và môi trường sạch đẹp. Các đạo luật ở Singapore áp dụng nhiều mức phạt tiền khác nhau, tùy thuộc vào từng đạo luật và mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra. Chẳng hạn như trường hợp đổ rác nơi công cộng, nếu bị Tòa án kết tội, người vi phạm có thể bị phạt đến 10.000 USD cho vi phạm lần đầu tiên và 20.000 USD nếu tái phạm. Đối với Dự thảo BLHS sửa đổi lần này, mặc dù các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân (quy định tại Điều 33) cũng đề cập đến hình thức phạt tiền bên cạnh một số hình thức xử phạt khác như: tước quyền sử dụng giấy phép, cấm kinh doanh, yêu cầu khắc phục hậu quả…, tuy nhiên mức phạt tiền đối với pháp nhân cần tăng nặng hơn nữa nhằm đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài ra, nội dung Điều 75 của Dự thảo quy định về nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân cũng cần được xem xét lại. Cụ thể, Điều 75 có nêu: pháp nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện: (i) hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; (ii) hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; (iii) hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định khác của pháp luật cho thấy điều kiện thứ ba không phù hợp, không khả thi bởi pháp nhân không phải là thực thể hữu hình và không thể tự mình “chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận” cho nhân viên công ty thực hiện hành vi phạm tội. Chẳng hạn, trong mô hình công ty hiện nay, bộ phận đại diện cho các chủ sở hữu công ty là Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần) hoặc Hội đồng thành viên (trong mô hình công ty TNHH) và các giám đốc sẽ chỉ đạo, điều hành hoạt động công ty theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật doanh nghiệp. Do đó, cần sửa điều kiện thứ ba nêu trên thành “(iii) hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của ban lãnh đạo công ty”.

LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh