Xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, bãi chôn lấp hợp vệ sinh

Đến 2020, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng. Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh (cho đô thị và khu vực nông thôn); đề xuất danh mục cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án thí điểm. Trên cơ sở kết quả thực hiện các dự án thí điểm, Bộ Xây dựng tổng hợp nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn trình phê duyệt trong năm 2012.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước và nước ngoài; hướng dẫn việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương, quy mô dân số và tính chất từng loại rác thải.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ hoàn thiện các công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các Quỹ khoa học và công nghệ khác.

Được biết, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai, làm tốt việc thu gom, vận chuyển và quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn góp phần tạo môi trường trong sạch, đô thị văn minh và sạch đẹp. Tuy nhiên công tác thu gom, xử lý chất thải rắn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 – 2020, từ năm 2011-2015, 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng. Đến năm 2020 các chỉ tiêu này lần lượt là 90% và 85%.