Quản lý hóa chất trong chuỗi sản phẩm: Thiếu và yếu

ThienNhien.Net – Hiện đang có 150.000 loại hóa chất được sử dụng trong hoạt động sản xuất, trong đó có 8.000 loại hóa chất được xác định là nguy hại. Rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối tiêu thụ tại thị trường trong nước hoặc bị đối tác xuất khẩu trả về. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý hóa chất.

Công nhân sử dụng thiết bị an toàn lao động tránh tiếp xúc trực tiếp sản phẩm cao su tại một nhà máy (Ảnh: Cao Thăng/SGGP)
Công nhân sử dụng thiết bị an toàn lao động tránh tiếp xúc trực tiếp sản phẩm cao su tại một nhà máy (Ảnh: Cao Thăng/SGGP)

Thiếu năng lực lẫn thông tin

Bà Nguyễn Lệ Hằng, Điều phối chính Dự án quản lý chuỗi hóa chất trong sản phẩm thuộc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, cho biết, thực tế thời gian qua tại nước ta đã xảy ra rất nhiều vụ nổ hóa chất mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động quản lý không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đơn cử gần đây nhất, vụ nổ hóa chất tại Công ty Sakana INX tại Bình Dương. Vụ nổ xuất phát từ kho nguyên liệu của nhà máy sản xuất mực in khi những thùng dung môi bị phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời quá lâu nên phát nổ, bốc cháy. Hậu quả là đã có 60.000 tấn hóa chất và rất nhiều nguyên liệu cũng như thiết bị của công ty bị cháy rụi.

Trước đó, tại TPHCM, rất nhiều vụ nổ hóa chất gây thiệt hại lớn về người và tài sản cũng đã xảy ra. Điển hình như sự cố cháy nổ hóa chất tại Công ty Tân Hưng Thái đã làm phát sinh lượng lớn hóa chất nguy hại tràn ra kênh 6. Cho đến nay, chất lượng nước tuyến kênh kéo dài khoảng 600m trước mặt công ty bị ô nhiễm nặng vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn. Điều đáng nói là nguồn nước kênh lại là nguồn nước thủy lợi phục vụ cho hoạt động nông nghiệp của người dân tại khu vực huyện Bình Chánh. Do đó, việc hóa chất thông qua chuỗi cung ứng sản phẩm, tác động đến sức khỏe của cộng đồng là khó tránh khỏi. Hay gần đây nhất là vụ nổ hóa chất tại xưởng may ở quận 12 đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và người cho người dân khu vực xung quanh… Tại nhiều cuộc họp liên quan đến tình hình quản lý hóa chất, cháy nổ trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đại diện Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM khẳng định, việc tàng trữ và sử dụng hóa chất trong sản xuất cũng như trong khu dân cư đang diễn biến rất phức tạp và khó có thể kiểm soát hết. Thống kê trên cả nước cho thấy, hàng năm có tới 355.000 người tử vong do quản lý hóa chất không an toàn; 14% các ca ngộ độc do quản lý thuốc trừ sâu không thích hợp.

Tăng khả năng phòng vệ thương mại

Lý giải thực tế này, đại diện Công ty Ikea khẳng định, thực tế kiểm tra tại các doanh nghiệp trong hệ thống chuỗi của công ty cho thấy, rất ít doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức cũng như tính nguy hại của hóa chất lên sản phẩm và công nhân lao động, kỹ thuật xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất mà mình đang sử dụng. Điều này xuất phát một phần là doanh nghiệp cung ứng hóa chất đã không cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin, đặc tính của hóa chất. Mặt khác, do doanh nghiệp sử dụng lại không quan tâm đến vấn đề này. Kéo theo, doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ những yêu cầu kỹ thuật cần thiết để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn lao động như kỹ thuật lưu kho, trang bị bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe người lao động. Mặt khác, việc lưu giữ hóa chất không đúng kỹ thuật còn làm giảm chất lượng hóa chất, dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm sản xuất ra. Trong khi đó, nếu quản lý tốt hóa chất, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm sự cố tai nạn lao động, tăng khả năng tái chế chất thải. Đặc biệt, sản phẩm của doanh nghiệp còn tăng được khả năng cạnh tranh nhờ an toàn hóa chất và đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như Nhà nước yêu cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các nước dần xóa bỏ hàng rào thuế quan nhưng ngược lại dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, nhất là những rào cản liên quan đến vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

An toàn hóa chất được xem là giải pháp phòng vệ thương mại cho chính doanh nghiệp của mình. Vấn đề là doanh nghiệp nên quan tâm đầu tư ở mức nào để phù hợp với quy mô, năng lực sản xuất của mình. Đại diện Công ty Scancom nhấn mạnh, nhất thiết phải quản lý từ đầu vào đến đầu ra của hóa chất theo hệ thống chuỗi chặt chẽ. Theo đó, ngay từ khâu lựa chọn nhà cung ứng hóa chất, phải kiểm tra năng lực cung ứng và khả năng lưu chứa hóa chất an toàn, đúng tiêu chuẩn. Khi chuyển sản phẩm đến doanh nghiệp sử dụng cần phải thông tin cụ thể, minh bạch và rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ và cảnh báo về tiêu chuẩn kỹ thuật. Thông tin này phải luôn được cập nhật kịp thời nếu có những thay đổi trong quá trình đối tác sử dụng. Còn về phía đơn vị sử dụng, ban lãnh đạo phải nhất quán và quan tâm đến hoạt động trang bị những kiến thức cần thiết cho nhân công lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất, phòng ngừa những ảnh hưởng đến sức khỏe nếu có do không sử dụng trang thiết bị an toàn khi làm việc trực tiếp với hóa chất. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị các cơ quan chức năng nên có sự thống nhất và chi tiết trong quy định thực hiện an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường. Tránh tình trạng những quy định thay đổi quá nhanh, quá nhiều như thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến việc xây dựng những giải pháp phát triển bền vững của các công ty.

Nguồn: