Xứ Nghệ thiệt hại nặng sau cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên

ThienNhien.Net – Sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, Nghệ An – Hà Tĩnh đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về người và tài sản. Sau đại hạn gay gắt, xứ Nghệ đang phải đối mặt với những hậu quả to lớn của mùa mưa lũ.

Người dân ra sông vớt củi
Người dân ra sông vớt củi

Đau thương chồng chất

Sau 3 ngày em Lê Anh Tuấn (xóm Vọng Sơn, xã Sơn Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh) mất vì đuối nước, người thân của em vẫn chưa hết bàng hoàng. Sau mưa lớn, cánh đồng làng thành biển nước, Tuấn và 2 người bạn rủ nhau đi thả lưới bắt cá. Chẳng may thuyền chìm, Tuấn cố sức đẩy 2 bạn vào bờ, còn mình thì ra đi mãi mãi ở tuổi 17.

Trong đợt mưa lũ, Hà Tĩnh có 3 HS (học sinh) tử vong vì nước cuốn trôi. Huyện miền núi Hương Sơn bị thiệt hại nặng nhất. Đến ngày 18.9, dù mưa đã tạnh, một số tuyến đường liên thôn, liên xã vẫn bị ngập; 43,6 ha ngô đông và 110,6 ha lúa hè thu còn ngâm trong nước.

Hàng ngàn m3 đất đá từ núi sạt lở trong mưa lớn đã làm tắc nghẽn QL8A thông sang Lào. Nhiều nhà dân, cầu, đường bị sập hoặc lũ cuốn trôi. Hàng ngàn HS phải nghỉ học.

Trong “cơn thịnh nộ” đầu mùa của thiên nhiên, nhiều địa phương của Nghệ An bị thiệt hại nặng nề. Đến ngày 19.9, đã có 8 người chết do thiên tai, trong đó có 1 người chết do sét đánh, 7 HS chết do đuối nước. Em Phạm Công Mậu (Yên Thành) và em Lò Nhật Minh Đăng (Quế Phong) bị nước cuốn trôi trên đường đi học về.

Một ngôi nhà ở huyện Nghĩa Đàn bị sập, 3 nhà bị sạt lở, đất đá tràn vào nhà, trong đó một nhà ở Tương Dương phải di dời khẩn cấp.

Hơn 427 ha lúa bị ngập, đổ; 686,7 ha ngô và rau màu bị ngập, thiệt hại; 81,1 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng. Mưa lũ cũng làm hư hỏng 13 công trình thủy lợi, 4 tràn xả lũ, sạt lở 2km đê sông; nhiều tuyến đường liên xã bị sạt lở, 5 cầu giao thông nông thôn bị sập, hư hỏng nặng.
Sau mưa lũ, hàng trăm hộ nông dân chưa lại sức sau đại hạn đã trắng tay, đối mặt với nguy cơ thiếu đói.

Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Chính quyền, cơ quan chức năng hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã tập trung cao độ để nắm bắt thông tin, triển khai hành động kịp thời ứng cứu người và tài sản, khắc phục hậu quả thiên tai. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã liên tục ban hành công điện trong ngày 13 và 14.9 chỉ đạo đối phó mưa lũ.

Trong mưa lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã cùng các cơ quan chức năng đi kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu thoát nước tại hệ thống cống Bến Thủy, cống Nghi Quang, trạm bơm chống ngập úng phía Tây Nam TP.Vinh và một số hệ thống thủy lợi khác.

Sở GTVT đã khẩn trương tổ chức khắc phục các vị trí sạt sở, tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông. UBND tỉnh huy động toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống dân sinh, đặc biệt động viên gia đình có người bị chết, bị thương, giúp đỡ gia đình có nhà bị hư hỏng dựng lại nhà cửa ổn định ăn ở.

Tập trung các lực lượng phương tiện trên địa bàn để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống của nhân dân. Các địa phương tiếp tục thu hoạch số lúa hè thu còn lại, tiêu úng và bảo vệ cây trồng vụ đông, tích cực tiêu úng.

Trong mưa lớn, Hà Tĩnh đã huy động lực lượng để ứng cứu, giúp đỡ dân, tổ chức khắc phục sạt lở thông tuyến QL8A. Sau khi mưa lũ chấm dứt, các địa phương đã tổ chức các đoàn công tác xuống những địa bàn bị thiệt hại để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.

Nâng cao kỹ năng sống cho HS: 

Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Hương Sơn (Hà Tĩnh): Điều đáng tiếc nhất trong đợt mưa lũ vừa qua là đã có đến 10 HS ở Nghệ An – Hà Tĩnh chết đuối. Nếu như các em được học bơi, học những kĩ năng cơ bản về sinh tồn thì tổn thất không đến mức đó. Đây là cảnh báo sâu sắc về tình trạng bất cập trong giáo dục kỹ năng sống cho HS.