Mở rộng phát triển cao su đe dọa các khu bảo tồn ở Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Việc mở rộng diện tích trồng cao su đang đe dọa nghiêm trọng tới các khu bảo tồn và những điểm nóng về đa dạng sinh học tại Đông Nam Á.

Thông tin trên được đưa ra trong nghiên cứu Current trends ofrubber plantation expansion may threaten biodiversity and livelihoods (Tạm dịch: Xu hướng mở rộng đồn điền cao su có thể đe dọa đa dạng sinh học và sinh kế của người dân), công bố trên Tạp chí Global Environmental Change.

Một khu rừng bị phá để trồng cao su ở Ratanakkiri, Campuchia (Nguồn: phnompenhpost.com)
Một khu rừng bị phá để trồng cao su ở Ratanakkiri, Campuchia (Nguồn: phnompenhpost.com)

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tình hình phát triển cây cao su ở 4 nước Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, Campuchia là nước mất nhiều vùng sinh thái quan trọng nhất. Nếu xu hướng mở rộng diện tích trồng cao su vẫn tiếp diễn, dự tính Campuchia sẽ mất hơn 2.500 km2 diện tích các khu bảo tồn, theo sau là Việt Nam có thể mất 1.900 km2 vào năm 2020.

Theo báo cáo, hoạt động phá rừng trồng cao su đang diễn ra tràn lan nhưng có thể không mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Bởi vì, các khu vực cao và lạnh hơn vốn không thích hợp để trồng cây cao su bằng các vùng thấp và ẩm, do đó năng suất cao su sẽ thấp hơn. Mặt khác, tình trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng đất và nước.

Giá cao su tăng cao trong thập kỷ qua dẫn tới sự mở rộng của các khu vực canh tác cao su ở cả những vùng không thích hợp với loại cây này. Tuy nhiên, từ 2012, giá cao su giảm hơn 50% đã dẫn đến một số thay đổi. Một số nông dân ở Campuchia đã chặt bỏ cao su và chuyển sang các loại cây trồng khác như hồ tiêu, hạt điều.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu dự đoán vấn đề mở rộng diện tích cây cao su sẽ lại diễn biến phức tạp khi giá cao su tăng.

Theo Ông Jago Wadley, Chuyên viên điều tra của Cơ quan Điều tra Môi trường trụ sở tại London, khi điều đó xảy ra, hệ sinh thái yếu ớt của Campuchia sẽ phải chịu đựng nhiều hơn so với các nước trong khu vực do sự quản lý chưa chặt chẽ, sự tuân thủ luật pháp còn hạn chế cũng như không có kết nối tốt với các nhà máy sản xuất cao su.