Congo: Cuộc sống bần hàn bên kho báu dầu khí

ThienNhien.Net – Mặc dù nằm trong top năm quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất Châu Phi hạ Sahara, gần ba phần tư dân số Congo vẫn đang phải sống với mức dưới 2 USD một ngày. Nghiên cứu của Liên minh Công khai các khoản chi (PWYP) đã khẳng định chính các dự án dở dang là nguyên nhân nguồn thu từ dầu khí không đến được với cuộc sống của người dân.

Người dân Congo vẫn sống trong nghèo khó bên cạnh các công trình khai thác dầu khí (Ảnh: The Guardian)
Người dân Congo vẫn sống trong nghèo khó bên cạnh các công trình khai thác dầu khí (Ảnh: The Guardian)

Hơn một thập kỷ qua, bất chấp việc bị bắt giữ, hăm dọa, các nhà hoạt động xã hội PWYP tại thủ đô Brazzaville, Congo vẫn tiếp tục điều tra về nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia này. Sau 8 cuộc khảo sát thực tế liên quan tới 192 dự án, PWYP khẳng định chỉ có 16% các dự án được hoàn thành, 9% các dự án được đưa vào hoạt động – các công trình còn lại đã được xây dựng nhưng còn thiếu trang thiết bị hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết. Hơn một nửa các dự án trong ngân sách các năm 2011, 2012 và 2013 chưa hề được khởi công và 16% dự án bị hủy bỏ.

Trong số các trường hợp được điều tra, cấp trung ương quyết định đến 80% các dự án mặc dù hạn chế thông tin về tính khả thi và nhu cầu thực sự của người dân địa phương. Từ đó dẫn đến một số dự án không phù hợp hoặc không nên được ưu tiên, thậm chí sai sót trong tính toán chi phí thực tế của các dự án. Theo kết quả nghiên cứu, ngân sách phân bổ thường cao hơn chi phí thực tế của dự án, vậy nguồn kinh phí dư thừa đó rơi vào tay ai?

Hầu hết các doanh nghiệp ở Brazzaville thắng thầu khi các quyết định được đưa ra từ cấp trung ương. Việc cung ứng không được tham khảo ý kiến của chính quyền nơi thực hiện công trình có thể là nguyên nhân của chất lượng thi công yếu kém tại một số dự án, điều làm dấy lên nghi vấn về các đơn vị trúng thầu. Đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện xung đột lợi ích khi hợp đồng rơi vào tay các công ty do các viên chức chính phủ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu.

Báo cáo cũng tiết lộ thực trạng một số nhà thầu có hành vi tham nhũng như biến mất cùng ngân sách dự án, bỏ lại những công trình dở dang. Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có hệ thống xử phạt các nhà thầu không đủ năng lực hoặc có hành vi tham nhũng.

Như vậy, Congo đang lãng phí nguồn thu từ dầu mỏ vào các dự án đang dở dang, chậm trễ và sai mục đích. Các cơ quan ban ngành ở cấp trung ương và địa phương theo đó đã được khuyến cáo sớm vào cuộc để nguồn thu thực sự trở về với cuộc sống của người dân.

Một số khuyến nghị của  Liên minh PWYP:

Cơ quan trung ương cần:

  • Cung cấp các tài liệu chính liên quan đến ngân sách
  • Xây dựng hệ thống giám sát dự án tại địa phương
  • Huy động sự tham gia của các chuyên gia trong quá trình quyết định phân bổ ngân sách nhằm đảm bảo tính liên quan của các dự án
  • Yêu cầu thực hiện điều tra khả thi trước khi đưa dự án vào ngân sách
  • Minh bạch hóa quá trình cung ứng
  • Áp dụng các biện pháp xử phạt đối với nhà thầu không tôn trọng cam kết hoặc những đối tượng có hành vi tham nhũng

Chính quyền địa phương cần:

  • Yêu cầu các cơ quan trung ương cung cấp thông tin ngân sách có liên quan
  • Thành lập ủy ban giám sát các dự án