Trung Quốc thúc đẩy hợp tác về nước với các quốc gia Mê Công

ThienNhien.Net – Trung Quốc đang thể hiện nỗ lực giải quyết vấn đề nguồn nước với các quốc gia láng giềng hạ nguồn sông Mê Công thông qua Cơ chế Hợp tác sông Mê Công – Lan Thương. Động thái này cho thấy điều gì và có thể mang lại những triển vọng như thế nào, xin được giới thiệu bài phân tích dưới đây của tác giả Sebastian Biba thuộc Viện Khoa học Chính trị, Đại học Goeth-Frankfurt (Đức).

Đập thượng nguồn chính là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia hạ nguồn. (Ảnh: Daniel Berthold)
Đập thượng nguồn chính là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia hạ nguồn. (Ảnh: Daniel Berthold)

Sau khi 6 quốc gia Mê Công cùng ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu tham gia sâu hơn trong mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới về quản lý nguồn nước và thủy điện. Trong khi vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết giữa các quốc gia nhằm hạn chế tranh chấp và cải thiện tính minh bạch đối với hoạt động xây dựng đập và chia sẻ quản lý nguồn nước, thỏa thuận này cho thấy thái độ sẵn sàng hơn của Trung Quốc trong việc thảo luận về những bất đồng trong quá khứ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ khu vực.

Trong cuộc họp vào tháng 11 năm 2015 tại tỉnh Vân Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã khởi động Cơ chế Hợp tác sông Mê Công – Lan Thương (LMCM) từ ý tưởng được nhen nhóm tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN, tháng 11 năm 2014 tại Naypyidaw, Myanmar. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, cơ chế mới sẽ bao trùm 5 lĩnh vực ưu tiên:  kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước và hợp tác trong nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Mặc dù tương đồng về các thành viên tham gia, cơ chế mới có tầm bao quát rộng hơn so với các sáng kiến khác như Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), nổi bật nhất là có sự hợp tác về nguồn nước – điểm không nằm trong các vấn đề được GMS xem xét. Cần lưu ý rằng trước đây Trung Quốc đã từ chối tham gia Ủy hội sông Mê Công (MRC), cơ chế hợp tác chính đối với tài nguyên nước.

Được mệnh danh “siêu cường quốc thượng nguồn”, Trung Quốc là quốc gia thượng nguồn mạnh nhất trên nhiều lưu vực sông xuyên biên giới. Tại Mê Công cũng như các khu vực khác, Trung Quốc vốn tỏ ra không quan tâm đến các hiệp ước về nguồn nước hoặc việc thành lập các tổ chức lưu vực sông. Mặc dù cơ chế hợp tác Mê Công mới còn xa mới sánh được một tổ chức lưu vực sông, cần lưu ý rằng Trung Quốc nay đã trở thành quốc gia cầm trịch phía sau một sáng kiến đã bao gồm cả vấn đề về nước trong phạm vi hoạt động.

Điểm đáng chú ý nhất là động thái này phản ánh rằng tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về mối quan hệ giữa  vấn đề thủy điện và chính trị là ngày càng quan trọng và cấp bách.

Tài nguyên nước trong khu vực Mê Công được coi là nguồn tài nguyên nền tảng nhất, mang tính chiến lược quốc gia với ý nghĩa tối quan trọng. Do đó các vấn đề liên quan đến nguồn nước có thể làm hỏng chính sách ngoại giao “thân thiện với láng giềng” của Trung Quốc.

Các quốc gia nằm trên lục địa Đông Nam Á là sân sau kinh tế chiến lược và là vùng thử nghiệm chính cho cách tiếp cận “phát triển hòa bình” cũng như sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Với khu vực Mê Công, do đơn phương quyết định xây dựng nhiều công trình đập quy mô lớn trên dòng chính, Trung Quốc đã nhận nhiều chỉ trích từ người dân các quốc gia hạ nguồn về những tác động tiêu cực đối với môi trường, an ninh lương thực và sinh kế của khoảng 60 triệu người dân trên lưu vực.

Tháng 8 năm 2008, một trận lụt tại Bắc Lào và Thái Lan được cho là có liên quan tới việc vận hành một số đập trên sông Mê Công thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đầu năm 2010, Trung Quốc cũng đối mặt với những chỉ trích từ xây đập khiến mực nước hạ thấp kỉ lục trên sông Mê Công, làm giảm sản lượng đánh bắt cá, giảm lượng nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt, cản trở vận tải đường sông gây ảnh hưởng đến thương mại và du lịch. Các phương tiện truyền thông và tổ chức phi chính phủ trong khu vực đã đổ lỗi cho những đơn vị vận hành các hồ chứa lớn tại đập Tiểu Loan, Trung Quốc vì những đợt hạn hán trầm trọng trên.

Để đối phó, Trung Quốc đã phải chuyển sang phương thức ngoại giao ‘kiểm soát thiệt hại’ làm dịu làn sóng phản đối với những bước đi chưa từng có, như chia sẻ dữ liệu thủy văn mùa khô từ hai trong số các đập dòng chính và mời đại diện các quốc gia Mê Công đến thanh tra đập Cảnh Hồng. Từ đó, những chỉ trích chuyển sang các dự án xây đập trên dòng chính Mê Công tại Lào. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn nhận thức rõ rằng kế hoạch xây dựng đập của họ vẫn nằm trong tâm điểm chú ý ngày càng gia tăng bởi quốc gia này cũng tham gia khá nhiều trong các kế hoạch xây dựng đập tại hạ lưu.

Mặt khác, các lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận ra rằng sân sau kinh tế và chiến lược của họ đang ngày càng trở nên cạnh tranh. Đơn cử, Mỹ đã thiết lập Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công vào 2009. Mặc dù chỉ có những ảnh hưởng không đáng kể tại Mê Công, sáng kiến này đã làm dấy lên những lo ngại tại Bắc Kinh như một phần chiến lược của Mỹ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trước bối cảnh trên, Trung Quốc muốn đóng một vai trò chủ động và tích cực hơn trong quản lý nguồn nước và hợp tác tại vùng Mê Công nói chung qua việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với 5 quốc gia khác. Bằng cách này, Trung Quốc hy vọng sẽ định hình các quy tắc hợp tác và đảm bảo không có sự tham gia của các đối tượng khác.

Theo ông Trương Cửu Hoàn, phó chủ tịch Hiệp hội Ngoại Giao Trung Quốc, các quốc gia hạ lưu quan ngại về các đập trên dòng chính có thể nêu vấn đề, tham khảo ý kiến với các quốc gia tại thượng lưu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Nghị cũng nhấn mạnh việc thảo luận nên bắt đầu với “các vấn đề dễ dàng” và dần dần theo từng dự án.

Hợp tác mới đem lại một số lợi ích trước mắt như tăng cường tính minh bạch cần thiết và lòng tin đối với vấn đề nguồn nước trong khu vực. Tầm quan trọng của mục tiêu tăng cường tính minh bạch và lòng tin cũng được công nhận bởi nhiều chuyên gia Trung Quốc và các quốc gia hạ nguồn. Vì vậy, điều đầu tiên mà Trung Quốc nên thực hiện là rà soát lại chính sách chia sẻ dữ liệu. Rất khó hiểu tại sao dữ liệu thủy văn và phù sa mùa khô vẫn được coi là bí mật quốc gia liên quan đến an ninh của Trung Quốc. Trong khi đó, những dữ liệu này rất có ích cho các quốc gia hạ nguồn theo nhiều cách, như cải thiện khả năng thích ứng với những thay đổi ngắn hạn của lưu lượng dòng chảy.

Thứ hai, trong bối cảnh nhiều khả năng đập sẽ tiếp tục được xây dựng, Trung Quốc cần tiến hành một chiến lược về việc thông báo trước cũng như thực hiện các đánh giá tác động môi trường khách quan và tuân thủ các kết quả đánh giá.

Thứ ba, về lâu dài, Trung Quốc và các nước láng giềng nên đàm phán một quy tắc chung, công bằng về quản lý tài nguyên nước theo vị trí địa lý tương ứng (chứ không nhất thiết theo năng lực tương ứng), để từ đó có thể phát triển tới một hiệp ước ràng buộc về nguồn nước.

Nếu có thể thực hiện các bước trên dưới sự bảo trợ của cơ chế mới, Trung Quốc sẽ thực sự đánh dấu được một chương mới, tích cực trong nền chính trị – nguồn nước quốc tế.