Nước – vấn đề nan giải ở châu Á

ThienNhien.Net – Khan hiếm nước đang là vấn đề gây xung đột, đe dọa tới an sinh và hòa bình của khu vực Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Tình hình đang ngày càng trở lên tồi tệ khi nguồn nước không những không cung cấp đủ cho nhu cầu đang ngày một gia tăng mà còn đang có dấu hiệu cạn kiệt.

Khan hiếm nước ngày một gia tăng

Khan hiếm nước đang ngày càng trở thành vấn đề bức thiết ở Nam Á bởi nhu cầu về nước trong khu vực này đang gia tăng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), dân số khu vực Nam Á hiện tại là 1,5 tỷ người và tăng với tốc độ trung bình 1,7%/năm. Điều đó có nghĩa là mỗi năm khu vực này sẽ có thêm 25 triệu người cần nước uống và thực phẩm.

Tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ khi nguồn nước không những không cung cấp đủ cho nhu cầu đang ngày càng tăng mà còn đang có dấu hiệu cạn kiệt nếu không có biện pháp ít tốn kém nào có thể biến nước biển thành nước ngọt.

Thêm vào đó, các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy khiến lưu lượng của các con sông thiếu ổn định, nhất là khi băng hình thành các con đập giữ nước, sau đó đổ sập gây ra lũ lụt.

Một số nhà khoa học còn có những dự báo ảm đạm hơn khi cho rằng nước luôn là mối đe dọa tiểm ẩn tới tình trạng ổn định của Châu Á khi mà sức ép dân số gia tăng, nguồn nước ngầm đang giảm sút và biến đổi khí hậu đang gây ra hàng loạt tác động.

Trung Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất khi lượng nước ngọt trong khu vực này đang có nguy cơ giảm 20% trong hai thập kỷ tới. Những đợt khô hạn đang có dấu hiệu gia tăng, các đợt gió mùa yếu hơn, khó dự đoán hơn và nông dân chính là những người phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc nhất.

Hậu quả của tình trạng thiếu nước cũng ngày càng rõ ràng hơn khi trong năm 2010 có tới 77 triệu dân Bangladesh bị nhiễm độc thạch tín – vụ ngộ độc lớn nhất trong lịch sử nhân loại – do những người dân nơi đây dùng nước bơm từ các mạch nước ngầm quá sâu.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các bệnh dịch như tiêu chảy, dịch tả lây lan do nguồn nước sinh hoạt bẩn và tình trạng vệ sinh kém cướp đi sinh mạng của hàng ngàn trẻ em Ấn Độ mỗi năm. Những dòng sông khô cạn ở Nam Á đang dần trở thành những cống rãnh chứa rác thải, nước từ các con sông này hầu như không thể sử dụng cho sinh hoạt, thậm chí cũng không còn an toàn khi dùng để tưới cây.

Mực nước ngầm toàn khu vực đang giảm sút nghiêm trọng khi các giếng khoan phải đào sâu hơn. Những con sông lớn giờ cũng xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Knut Oberhagemann, chuyên gia về nước ở Dhaka, Bangladesh cho biết vào mùa khô lưu lượng của sông Hằng hùng vĩ chảy vào Bangladesh đôi khi cũng chỉ là vài mét khối/giây. Dòng chảy của con sông Padma cũng yếu đến mức bị nước biển xâm lấn, khiến đất liền nhiễm mặn nặng nề.

Hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra ở vùng châu thổ sông Ấn (Indus) ở Pakistan. Vùng bán sa mạc này đã biến thành một trong những vùng đất mầu mỡ nhất thế giới nhờ hệ thống kênh đào tưới tiêu do người Anh xây dựng. Nhưng khu vực đất thấp nơi đây cũng đang bị biển xâm lấn, nhiều con sông đôi lúc còn chảy ngược dòng. Nguồn nước ngọt mất đi và hiện tượng sa mạc hóa được dự báo là sẽ xuất hiện trở lại.

Xây dựng đập Xayaburi trên sông Mê Kông cũng đang là vấn đề gây tranh cãi (Ảnh: ThienNhien.Net)

Không tìm được tiếng nói chung

Tình trạng khan hiếm nước ở châu Á còn bị trầm trọng hóa thêm khi mà thay vì kiểm soát nguồn nước nội địa tốt hơn và hợp tác với các nước bạn cùng bảo vệ nguồn nước đang dần cạn kiệt, nhiều nước trong khu vực lại chọn cách hưởng lợi từ nguồn nước của các quốc gia láng giềng.

Khi nguồn nước cạn kiệt (Ảnh: Economist)

Nhiều quốc gia châu Á nghĩ tới biện pháp đầu tư xây dựng các đập thủy điện và thúc đẩy hợp tác để xây dựng được nhiều đập ở nước khác. Ước tính sẽ có khoảng 60 – 80 con đập lớn (hầu hết nhằm mục đích khai thác năng lượng) được xây dựng trong hai, ba thập kỷ tới với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ USD. Các quốc gia này, điển hình như Vương quốc nhiều núi Bhutan – phát triển kinh tế nhờ vào việc bán điện cho Ấn Độ – cho rằng việc làm này sẽ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa các nước. Còn Ấn Độ đang nghĩ tới viễn cảnh một ngày nào đó có thể thuyết phục được Nepal – quốc gia có tài nguyên nước dồi dào, cung cấp hơn 40% lượng nước cho sông Hằng – hợp tác với họ.

Tuy nhiên, giải pháp này dường như không giải quyết được những rắc rối liên quan đến vấn đề nguồn nước xuyên biên giới. Ấn Độ đang thúc đẩy quan hệ hợp tác với Bangladesh để có thể dễ dàng xây thêm nhiều đập trên các dòng sông chung của hai nước. Nhưng Bangladesh vẫn ghi nhớ kinh nghiệm cay đắng khi nước này cho phép Ấn Độ xây đập chặn dòng chảy các con sông chảy qua nước này trong thỏa thuận về sông Hằng trước đây.

Nếu hai “ông lớn” của khu vực – Trung Quốc và Ấn Độ – đồng lòng, cùng mong muốn tìm kiếm tình hữu nghị và xem xét để có thể đi đến hòa hợp các vấn đề về nguồn nước thì sẽ là một tính hiệu đáng mừng cho cả khu vực. Tuy nhiên, kỳ vọng này hiện có vẻ khá mơ hồ.

Dòng sông Brahmaputra chảy xuống từ độ cao 2.45m, qua địa phận Trung Quốc vài km, sau đó chảy sang biên giới Ấn Độ. Nếu như nước của con sông này được chuyển qua một kênh đào khác dài 100km từ Cao nguyên Tây Tạng bang Assam sẽ có thể sản xuất ra 54.000 MW/năm. Nguồn năng lượng này không chỉ thắp sáng cho phần lớn vùng đông bắc Ấn Độ và Bangladesh mà còn vươn tới Myanmar và có thể xa hơn nữa. Một công trình khổng lồ như vậy sẽ là cột mốc quan trọng trong việc hợp tác nguồn nước trong khu vực. Tuy nhiên, căn cứ vào mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa các quốc gia Nam Á, các nhà phân tích cho rằng dự án này ít có khả năng trở thành hiện thực và tài nguyên nước sẽ gây ra những bất đồng hơn là hợp tác.

Báo cáo năm 2009 của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dự báo “khả năng xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan xung quanh các vấn đề về tài nguyên sông ngòi sẽ gia tăng”. Chuyên gia an ninh Bangladesh, thiếu tướng Muniruzzaman cũng cho rằng quan hệ ngoại giao gượng ép và lời khước từ đàm phán đa phương của Ấn Độ về vấn đề chia sẻ lợi ích từ các con sông đồng nghĩa với thực tế xung đột nguồn nước trong khu vực Nam Á ngày một gia tăng.