Ì ạch di dời cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô

ThienNhien.Net – Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi nội đô Hà Nội đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập từ năm 2003. Đặc biệt từ đầu năm nay, Thủ tướng cũng đã thông qua quy hoạch này, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.

Cần nhanh chóng di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô
Cần nhanh chóng di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô

Mới có 10% cơ sở di dời

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2003, Sở này đã chủ động rà soát, lập danh mục 422 cơ sở công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch. Thế nhưng, đến nay mới có 41/142 cơ sở di chuyển, đạt khoảng 10%.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, dù cán bộ và nhân dân quận rất đồng thuận với chủ trương di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô nhưng khi thực hiện rất chậm. Hiện ở quận Hai Bà Trưng, trong tổng số 41 cơ sở trong danh mục phải di dời, đến nay, quận Hai Bà Trưng đã thực hiện di dời được 14 cơ sở là Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Rượu Hà Nội, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy May Thăng Long…

Nguyên nhân của sự chậm trễ này theo ông Anh Tuấn thì dù UBND quận đã đôn đốc, thậm chí cưỡng chế đình chỉ sản xuất các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, song nhiều đơn vị vẫn cố tình chây ỳ, tiếp tục sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân.

Còn trên địa bàn quận Thanh Xuân có 20 cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường và nằm trong quy hoạch đô thị. Đến nay, số cơ sở hoàn thành di dời rất ít. Đánh giá việc thực trạng di dời, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho rằng, các công ty rất chủ động lập kế hoạch, trong đó có xác định rõ tiến độ di dời. Tuy nhiên, công tác này gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, mặt bằng nên khó đúng tiến độ.

Cần biện pháp cứng rắn

Không thể để mãi tình trạng cơ sở gây ô nhiễm vẫn tồn tại, hoạt động trong khu vực nội đô. Cần có biện pháp cứng rắn để di dời các cơ sở này tránh gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, nhiều giải pháp để đốc thúc công tác di dời đã được các cơ quan hữu quan của Hà Nội đưa ra.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để đảm bảo tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm, TP cần tiếp tục kiểm tra, đề ra một tiến độ cụ thể và kiên quyết xử lý các cơ sở không thực hiện kế hoạch di dời. Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp phân khu trên địa bàn, để tạo mặt bằng phục vụ đơn vị di dời…

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn kiến nghị: UBND TP Hà Nội sớm có hướng dẫn việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm sử dụng đất, chậm di dời. Đối với các cơ sở đã di dời phải nhanh chóng bố trí đất để xây dựng các công trình mà địa phương đang thiếu như trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan hành chính… Đồng thời UBND quận đề xuất lãnh đạo TP cần dành thêm nữa phần đất thỏa đáng để xây dựng trường học và khu công cộng.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho rằng, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với những đơn vị thực hiện đúng tiến độ. Đặc biệt, lãnh đạo TP Hà Nội cần có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm, đơn vị thực hiện di dời và phân định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, quận, huyện liên quan.

Để giải quyết những vướng mắc có liên quan đến việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời nhằm tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ này trong thời gian tới. Hiện Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng khẩn trương lập danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch của TP.

Đồng thời đề xuất phương án và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời, bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời, cũng như có các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời trên địa bàn 12 quận nội thành (đặc biệt là 4 quận trung tâm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Ông Tuấn cũng khẳng định, sẽ có những cơ chế tài chính (nguyên tắc chung) để hỗ trợ khuyến khích việc di dời này.