Trung Quốc với các “hố đen” trong phát triển

ThienNhien.Net – Sự kiện Thiên Tân một lần nữa cho thấy chính sách phát triển không bền vững chạy theo những con số “ấn tượng” đã mang lại những hậu quả tiêu cực kinh khủng.

CNN (17-8-2015) dẫn lại từ Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết năm 2014 có 68.061 người chết vì tai nạn lao động, chiếm khoảng 20% số người thiệt mạng vì tai nạn lao động trên toàn thế giới. Tính bình quân ở Trung Quốc, mỗi ngày có 186 người thiệt mạng vì nguyên nhân này (350.000 người).

Phát triển bằng cách… tự giết mình!

Trung Quốc nói rằng số tử vong do tai nạn lao động đang giảm. Cụ thể tai nạn lao động trong công nghiệp, khai thác khoáng sản và thương mại gây ra 1.328 trường hợp tử vong trên 100.000 công nhân trong năm 2014, giảm 12,9% so với năm trước.

Tuy nhiên, tai nạn lao động và các sự cố liên quan vẫn liên tục xảy ra. Tháng 4-2015, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy sản xuất paraxylene tại Chương Châu (Phúc Kiến) gây hoảng loạn cho người dân vì nỗi sợ ô nhiễm nguồn nước. Đó là sự cố thứ hai xảy ra tại cùng địa điểm trong hai năm. Sự có mặt những nhà máy paraxylene tại các khu dân cư đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình khắp Trung Quốc. Paraxylene, dùng trong công nghiệp chế tạo chai nhựa và quần áo polyester, là chất dễ cháy và làm tổn hại hệ thần kinh.

Trước đó, năm 2013, hơn 100 công nhân đã tử vong khi lửa kinh khủng lan rộng tại nông trại gia cầm ở Đức Huệ (Cát Lâm). Những người sống sót cho biết các cánh cửa đã bị khóa để ngăn chặn công nhân thoát chạy. Thời điểm đó, Tân Hoa Xã nói rằng “kiến trúc bên trong phức tạp của căn nhà lắp ráp có lối thoát hiểm hẹp đã khiến việc cứu hộ trở nên khó khăn”.

Không chết vì tai nạn lao động thì dân Hoa lục cũng chết bởi ô nhiễm. New York Times cho biết không khí ô nhiễm đã gây ra khoảng 1,6 triệu người chết mỗi năm, tức chừng 4.400 người/ngày. Nghiên cứu mới công bố của tổ chức Berkeley Earth cho biết khoảng 3/8 dân số Trung Quốc đang thở bằng không khí mà theo chuẩn Mỹ là “không có lợi cho sức khỏe”. Tạp chất trong không khí có cả những phân tử đường kính không đến 2,5 micron, có nghĩa có thể dễ dàng đi vào phổi, hấp thụ vào máu, gây hen suyễn, trụy tim và ung thư. Tháng 4-2015, tổ chức Hòa bình xanh Đông Á (Greenpeace East Asia) nói rằng trong 360 TP Trung Quốc, hơn 90% không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quốc gia của chính nước này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giấu giếm và che đậy thông tin. Tháng 3-2015, khi một phim tài liệu dài về ảnh hưởng sức khỏe của không khí ô nhiễm được phát trên mạng, cơ quan kiểm duyệt trung ương lập tức yêu cầu các website rút xuống.

Ngày 10-6-2013, Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại trước tình trạng nguồn thực phẩm bị nhiễm độc ngày càng trầm trọng khắp Trung Quốc, đặc biệt sau vụ gạo nhiễm chất gây ung thư cadmium tại nhiều địa phương, trong đó có Hồ Nam và Quảng Đông. Đầu năm 2012, không khí khắp nhiều vùng Trung Quốc đã như đặc quánh lại bởi khói bụi bao phủ trên diện tích hơn 1 triệu km2. Tháng 2-2013, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phải đề cập đến hiện tượng “những ngôi làng ung thư” trong bản kế hoạch năm năm.

Sự kiện Thiên Tân thể hiện cơ chế lỗi trong chính sách phát triển TQ.
Sự kiện Thiên Tân thể hiện cơ chế lỗi trong chính sách phát triển Trung Quốc.

Mô hình phát triển bất chấp hậu quả

Muốn giải quyết môi trường, vấn đề không chỉ nằm ở những hoạch định kế sách phát triển kinh tế, trong đó yếu tố bảo vệ môi trường không được loại bỏ khỏi những tham vọng chỉ tiêu mà còn phải rà soát và chấn chỉnh lại nạn tham nhũng, trong đó có tình trạng doanh nghiệp hối lộ giới chức địa phương để dự án được thông qua và tình trạng viên chức bảo vệ môi trường ngửa tay nhận đút lót.

Cuối năm 2009, Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc tiết lộ từ năm 2001 đến 2007, khoảng 59 triệu USD được chi cho các chương trình bảo vệ nguồn nước và làm sạch ba con sông lớn cùng ba hồ lớn đã bị biển thủ bởi giới chức phụ trách bảo vệ môi trường tại các địa phương. Đó là chưa kể 661 triệu USD bị đánh cắp, bị “dùng sai mục đích” hoặc chưa bao giờ được dùng. Cụ thể, 16,4 triệu USD đã bị các sở bảo vệ môi trường địa phương “ăn sạch” sau khi họ “làm hồ sơ dự án” xin cấp ngân sách để “thực hiện các chương trình bảo vệ nguồn nước sinh hoạt”. Ngoài ra, khoảng 219,5 triệu USD tiền thuế môi trường nộp từ doanh nghiệp cũng bị giới chức bảo vệ môi trường biển thủ.

Theo dõi vấn đề môi trường Trung Quốc, có thể rút ra vài nguyên nhân chính: Ý thức thấp kém của cộng đồng; sự ham muốn làm giàu bằng mọi giá của nhiều tầng lớp người dân; sự thiếu quy hoạch căn bản trong kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn; tình trạng tham nhũng của giới chức bảo vệ môi trường; tư duy duy ý chí xem trọng thành tích phát triển ngắn hạn hơn là an sinh xã hội dài hạn – hay nói cách khác là cái sự bám rễ của thói xấu hám danh hám lợi từng in đậm và cày những luống rất sâu trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.

Với một nước quen với lối sống thành tích và chỉ tiêu, việc đi chệch khỏi tinh thần này là bất khả thi và nó cho thấy việc chấn chỉnh môi trường Trung Quốc luôn là một điều không thể, có chăng chỉ là những xử lý nhất thời. Tinh thần thành tích chiếm ngự tư duy và não trạng đến mức họ không thể từ bỏ bất cứ phương tiện gì để đạt mục đích “phát triển”. Họ tạo ra một mô hình phát triển chụp giật bất chấp hậu quả. Họ tạo ra một mô hình bị lỗi ngay từ căn bản. Họ “phát triển” cái sai thành hệ thống của những cái sai. Tình hình tệ hại đến mức hiện Trung Quốc gần như không thể chấn chỉnh được sự hỗn loạn của khổ nạn môi trường.

Nghịch lý của sự phát triển

Một quốc gia không thể gọi là giàu nếu tuyệt đại đa số dân chúng ngày ngày oằn lưng kiếm cơm trong những nhà xưởng nghiệt ngã. Khắp Trung Quốc, các khu công nghiệp kỹ thuật cao là nơi tập trung của công nhân. Điều kiện làm việc tồi tệ và tình trạng ăn xén lương công nhân là điều xảy ra hằng ngày. Gần đây, tờ Wall Street Journal nêu trường hợp của Meitai Plastics & Electronics (Đài Loan) tại Đông Hoản (Quảng Đông). Tại đây, có đến 2.000 công nhân, hầu hết là nữ, đang ngày đêm cắm đầu cắm cổ ráp bàn phím cũng như nhiều thiết bị điện tử cho các hãng Hewlett-Packard, Dell, Lenovo, Microsoft và IBM. Công nhân không được nói chuyện, không được nghe nhạc, không được ngẩng đầu khỏi bàn làm việc, không được cho tay vào túi quần… Đến muộn một phút là bị phạt. Không cắt móng tay bị phạt. Giẫm lên cỏ bị phạt. 12 giờ mỗi ngày, công nhân ngồi miệt mài trên cái bàn gỗ để lắp 500 bàn phím mỗi giờ. Tất cả họ đều là những robot vô hồn: Chính xác mỗi 1,1 giây mỗi người phải gắn xong một phím.

Thao tác tưởng chừng đơn giản trên được thực hiện 3.250 lần/giờ, 35.750 lần/ngày. Bởi dây chuyền lắp ráp chạy liên tục nên công nhân không thể bỏ bàn làm việc để đi bất kỳ nơi nào khác, kể cả vệ sinh cá nhân. Họ phải đợi cho đến giờ giải lao, được quy định là 30 phút giữa giờ để công nhân thực hiện những việc cá nhân như ăn cơm, vệ sinh… Nhà máy vận hành 24/24 với hai ca, suốt bảy ngày trong tuần. Công nhân được nghỉ hai ngày mỗi tháng và nghỉ không đúng ngày sẽ bị trừ 2,5 ngày công. Trung bình công nhân phải ở phân xưởng 87 giờ/tuần, làm việc 74 giờ (trừ thời gian giải lao) trong đó có 34 giờ làm việc ngoài giờ – tức vượt quá giờ cho phép của luật lao động Trung Quốc 318%! Lương cơ bản công nhân Meitai Plastics & Electronics được trả 0,64 USD/giờ; tuy nhiên, trừ tiền này tiền nọ (phòng thuê tập thể, ăn uống…), họ chỉ còn 0,41 USD. Công nhân được sắp xếp ở từng nhóm 10-12 người/phòng, ngủ trên chiếc giường sắt gắn vào tường. Mùa đông, họ phải cuốc bộ xuống tầng trệt để lãnh xô nước nóng về tắm…

Trong báo cáo 22 trang công bố tháng 6-2015, “Happiness and Health in China: The paradox of progress” (tạm dịch: Hạnh phúc và sức khỏe ở Trung Quốc: Nghịch lý của sự phát triển) do Viện Brookings thực hiện với ba tác giả Carol Graham (giáo sư Trường Chính sách công, ĐH Maryland), Shaojie Zhou (giáo sư kinh tế ĐH Thanh Hoa), Junyi Zhang (nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Thanh Hoa), có thể thấy rằng trong khi GDP đầu người và tiêu dùng gia đình tăng gấp bốn từ năm 1990 đến 2005; Trung Quốc đã tăng 10 hạng trong chỉ số phát triển con người từ năm 2008 đến 2013 (lên hạng 93 trong 187 quốc gia); tuổi thọ tăng đến 75,3 năm, so với 67 năm trong năm 1980… Tuy nhiên, trong cùng thời gian, sự thỏa mãn đời sống tại Trung Quốc lại đi theo khuynh hướng ngược lại.