Thủy điện Mê Công – khai thác hay hủy hoại? – Kỳ I

ThienNhien.Net – Hàng loạt công trình thủy điện đang được xây dựng dọc khắp sông Mê Công, cả trên dòng nhánh và dòng chính. Cho dù nguồn điện sạch thực sự là nhu cầu của người dân Đông Nam Á hiện nay thì  tôm cá và những cánh đồng lúa nơi đây cũng rất cần một dòng sông không có đập thủy điện. Tuy nhiên, trước thực tế các con đập lớn nhỏ vẫn đang được xây dựng trên cả thượng nguồn và hạ nguồn Mê Kông, những người dân và hệ sinh thái trên lưu vực đang đứng trước những nguy cơ lớn. Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây của nhà báo Michelle Nijhuis, cây viết từng đạt giải nhất viết về khoa học và giải thiên nhiên của Mỹ, về đề tài này.

Ảnh: David Guttenfelder
Ảnh: David Guttenfelder

Những ngôi làng trước “lưỡi hái thủy điện”

Sống ở một ngôi làng nhỏ phía Bắc Thái Lan, già làng Pumee Boontom thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết Trung Quốc. Một cơn bão lớn ở phía Nam Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với một đợt xả lũ khổng lồ từ các đập thượng nguồn, và ngôi làng của ông sẽ bị nhấn chìm trong biển nước. Chính phủ Trung Quốc đáng ra phải có cảnh báo cho các nước hạ lưu, nhưng theo kinh nghiệm của già làng Boontom, những cảnh báo này thường quá trễ hoặc thậm chí không có bất kì lời cảnh báo nào.

Ông nói: “Trước khi có những con đập, mực nước lên xuống từ từ theo mùa. Nay, mực nước lên xuống một cách thất thường và không dự đoán trước.”

Ngôi làng Ban Pak Ing với những ngôi nhà xây bằng gạch than xỉ nằm rải rác và những con đường đất kéo dài từ bờ tây dốc đứng sông Mê Công cho tới ngôi đền thờ Phật cổ kính, thanh bình. Hai mươi năm trước, cũng như những người dân cùng làng, ông Boontom làm nghề đánh cá kiếm sống. Nhưng kể từ khi Trung Quốc cho xây dựng không chỉ 1, 2 mà đến 7 con đập trên thượng nguồn, dân làng Ban Pak Ing đã bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi của dòng sông. Mực nước sông biến động thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động di cư và sinh sản của các loài cá. Mặc dù người dân trong làng đã cố gắng bảo vệ các khu vực cá đẻ trứng nhưng số lượng cá cũng không còn nhiều.

Trong vài năm trở lại đây, ông Boontom cùng rất nhiều dân làng đã phải bán thuyền đánh cá và chuyển sang trồng ngô, cây thuốc lá và đậu. Sinh kế mới không hề ổn định và ngày càng khó khăn hơn bởi những đợt lũ thường xuyên. Năm 2008, một số ngôi nhà đã bị ngập đến tầng thứ 2, ngay cả ngôi đền cũng bị nhấn chìm.

Làng Ban Pak Ing có thể được coi là hình ảnh tương lai của rất nhiều ngôi làng trên lưu vực sông Mê Công, khi 5 con đập khác đang tiếp tục được xây dựng tại Trung Quốc, 11 con đập lớn đã được đề xuất hoặc đang được xây dựng phía hạ nguồn, trên lãnh thổ Lào và Campuchia. Những công trình này sẽ cản trở đường di cư và sinh sản của cá, đe dọa nguồn thực phẩm của gần 60 triệu người dân, hầu hết sống tại các ngôi làng như Ban Pak Ing.

Làng Ban Pak Ing bình yên. (Ảnh: Sierra Sunrise)
Làng Ban Pak Ing bình yên. (Ảnh: Sierra Sunrise)

Một trong những con đập được đề xuất xây dựng tại Lào chỉ cách làng Ban Pak Ing 64km về phía thượng nguồn. Công trình này sẽ khiến ngôi làng bị mắc kẹt giữa nguồn nước lũ từ phía Bắc và hồ chứa nước dự trữ phía Nam. Giờ đây ở tuổi 50, ông Boontom lo lắng không phải cho bản thân mà cho các thế hệ con cháu sau này. “Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy đến với chúng ta” – Già Làng Boontom trầm ngâm chắp hai bàn tay và nói.

Xuôi về phía hạ nguồn, ngôi làng Vern Houy nằm ngay trên khu vực xây dựng thủy điện Sê San. Nơi này chỉ có thể đến được bằng thuyền, và hầu hết cư dân đều sinh ra, lớn lên trong làng, sử dụng tiếng Lào là ngôn ngữ phổ thông. Khi được hỏi về con đập, một nhóm phụ nữ trả lời: “Chúng tôi sắp chết rồi”. Họ thực sự nghĩ rằng cuộc sống của mình sắp lâm vào bước đường cùng và không thể hình dung ra một cuộc sống nào khác khi hồ chứa nhấn chìm ngôi làng.

Mạng lưới Bảo vệ các dòng sông 3S, một tổ chức xã hội dân sự của Campuchia hiện đang giúp đỡ các cư dân làng Vern Houy cùng những ngôi làng lân cận viết thư phản đối việc xây dựng con đập, gửi tới Quốc hội Campuchia và đến thủ đô để kể về câu chuyện của mình. Nhưng đến nay mọi nỗ lực đều vô ích. Phó thôn In Pong nói: “Tôi sẽ không dời đi đâu hết, nhất là tới thành phố. Tôi không biết mình sẽ làm gì cả”. Thế nhưng, giáo viên của ngôi làng, ông Loek Soleang, một trong số rất ít cư dân không sinh ra trong ngôi làng lại có ý kiến khác: “Chúng ta sẽ có điện dùng. Chúng ta cần sự phát triển. Nếu ở đây ngập nước, chúng ta sẽ di chuyển tới vùng cao hơn.”

Loek Soleang chắc chắn đúng ở một điểm: người dân lưu vực Mê Công cần điện. Làng Vern Houy không hề có điện. Còn tại ngôi làng O Svay phía hạ lưu đập thủy điện Don Sahong, những máy phát điện điezen ầm ĩ và bẩn thỉu đều thuộc sở hữu của những gia đình giàu có. Cũng giống như những vùng nông thôn Đông Nam Á, chỉ những đứa trẻ may mắn nhất mới được học bài dưới ánh đèn và ngủ thoải mái với những chiếc quạt nhỏ trong những ngày hè nóng nực. Cuộc sống không điện thật không hề dễ dàng.

Trong một đêm lạnh giá những ngày cuối tháng 1/2013, một nhóm các nhà hoạt động địa phương tập hợp bên bờ sông Mê Công ở làng Ban Huay Luek phía bắc Thái Lan. Họ vừa mới đi bộ hơn 100km dọc theo bờ sông nhằm thu hút sự chú ý của dư luận về kế hoạch xây dựng đập thủy điện phía hạ lưu. Dẫn đầu đoàn biểu tình là các nhà sư, cùng sự tham gia của những người nông dân, chính trị gia địa phương và du khách nước ngoài trong một cuộc diễu hành kéo dài gần 2 tuần lễ.

Không như những nước láng giềng, Thái Lan có truyền thống tổ chức biểu tình rộng rãi. Ông Choonhavan, một nhà vận động tích cực đã nhắc lại rằng nhiều năm trước, khi chính phủ Trung Quốc phá vỡ ghềnh trên sông Mê Công để mở đường cho giao thông đường thủy, những người biểu tình ở miền bắc Thái Lan đã ngăn cản thành công việc xây dựng. Một vài người đã từng tham gia cuộc biểu tình đó cũng có mặt. “Hãy đứng vững trên đôi chân mình và sử dụng sức mạnh đó một lần nữa,” ông nhấn mạnh.

Những lời nói đó không hề vô nghĩa. Thái Lan thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ thống đập trên dòng chính bởi đây là thị trường mà các nhà đầu tư hướng tới, dĩ nhiên kèm theo đó là sự chấp thuận của chính phủ nước này. Công khai phản đối rộng rãi có thể thuyết phục việc xem xét lại hay thậm chí là hủy bỏ kế hoạch xây dựng đập thủy điện. Sau cuộc diễu hành, một nhóm 37 người biểu tình đã trình đơn kiện chính phủ. Mùa hè năm ngoái, tòa án đã đồng ý tiếp nhận vụ kiện này. Dù có thể là quá muộn để ngừng việc xây dựng đập Xayaburi nhưng trong vòng vài tháng tới, vẫn còn hy vọng chấm dứt được các dự án khác đang được đề xuất trên hạ lưu sông Mê Công.