Sinh kế từ cây sắn – giấc mơ xóa đói giảm nghèo

ThienNhien.Net – Đất nông nghiệp hay đất lâm nghiệp đều là nguồn sống của con người, cho nên cái tương ứng của việc đền bù thu hồi đất là cuộc sống, chứ không phải chỉ là tiền. Tạo điều kiện phát triển sinh kế từ cây sắn bền vững là giấc mơ xóa đói giảm nghèo của một bộ phận dân tái định cư ở nước ta.

Đất nông nghiệp bị thu hồi, đất lâm nghiệp cũng bị thu hồi. Nếu thu hồi đất nông nghiệp làm đường làm trường làm trạm, thì đất lâm nghiệp được thu hồi chủ yếu phục vụ các công trình thủy điện. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện thu hồi đất còn là vấn đề ổn định cuộc sống cho người dân ở khu vực tái định cư.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Đơn cử nhìn vào việc thu đất xây thủy điện Hủa Na tại Quế Phong, Nghệ An. Chính thức khởi công năm 2008 và đã khánh thành năm 2013, đến nay, kế hoạch giao đất sản xuất cho người dân vẫn chưa được triển khai, cuộc sống của bà con xã Đồng Văn từ đây rất khó khăn. Trong khi, một phần lớn quỹ đất sản xuất lên đến 1.800ha đã được dành cho dự án trồng cao su, người dân muốn trồng trọt, chăn nuôi nhưng nguồn đất sản xuất có hạn, chưa kể nhiều diện tích lại quá cằn cỗi.

Trước tình cảnh này, người dân đang mở hướng đầu tư và mở rộng năng lực chế biến sắn. Không đòi hỏi trình độ thâm canh cao vốn, yêu cầu vốn đầu tư lớn, hiệu quả quay vòng vốn nhanh so với các loại hàng hóa nông sản khác nên đây được coi là cây thân thiện với người nghèo. Cộng thêm đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sắn hiện nay rất đa dạng, tốc độ tăng trưởng 10 – 15%/năm về lượng càng thúc đẩy người dân chuyển sang mô hình phát triển sắn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi vai trò của sắn từ cây lương thực sang cây hàng hóa đang tạo ra những thay đổi lớn về sử dụng và quản lý tài nguyên rừng. Thâm chí, hiện nay, sản xuất sắn vẫn chủ yếu theo hình thức quảng canh, với sản lượng tăng chủ yếu là do mở rộng diện tích tự phát, các gia đình chạy theo nhu cầu của thị trường và từ đó chuyển đổi diện tích đất nương rẫy cũ của các hộ, diện tích một số loại cây trồng khác như cao su, mía, lúa sang trồng sắn. Theo báo cáo Phát triển sắn và bảo vệ rừng ở Việt Nam: Chính sách quốc gia, thị trường quốc tế và sinh kế của người dân, ngành sắn đang trên đà phát triển về mặt diện tích và quy mô chế biến. Đến nay, diện tích trồng sắn đạt khoảng 560.000ha, cao hơn 110.000ha so với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của nước ta nên các công ty lâm nghiệp hoặc ban quản lý rừng Nhà nước không thể quản lý được. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng mất rừng thứ phát.

Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT về việc phát triển cà phê, cao su, sắn bền vững ngày 28.4.2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ ra một số quan ngại trong việc phát triển sắn, cụ thể nêu rõ: nhiều nơi nông dân tự ý phát bỏ mía trồng sắn, cà phê trên đất đã quy hoạch trồng sắn, cà phê trên đất đã quy hoạch trồng rừng, thậm chí một số nơi ở Tây Nguyên đang diễn ra tình trạng phá rừng trái phép để trồng sắn… Tình trạng phát triển tự phát không chỉ phá vỡ quy hoạch phát triển các loại cây trồng khác, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn tăng nguy cơ cung vượt cầu, dẫn đến rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ của người sản xuất.

Đến nay, ngành sắn chưa có quy hoạch như một số ngành khác như cà phê, cao su, lúa gạo… Để giảm sức ép của sinh kế từ cây sắn lên nguồn tài nguyên rừng, theo ông Tô Xuân Phúc – đại diện Tổ chức Forest Trends cần sớm lập quy hoạch vùng phát triển cây sắn tập trung, tránh tình trạng người dân tự phát mở rộng diện tích chạy theo giá thị trường gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quy hoạch chung của ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, để tránh tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong việc bảo vệ rừng và phát triển sinh kế bền vững từ cây sắn, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh thêm, đối với phần diện tích đất trồng sắn có nguồn gốc từ rừng đặc dụng mà người dân đã xâm canh, sản xuất ổn định cần được điều chỉnh để đưa ra ngoài quy hoạch các loại rừng trong giai đoạn tới, đồng thời xem xét thu hồi và giao về cho địa phương quản lý, sử dụng phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Lúc này, sinh kế cây sắn sẽ trở thành giấc mơ có thật giúp bộ phận tái định cư tại thủy điện Hủa Na nói riêng và người dân nói chung xóa đói giảm nghèo bền vững.