Chuyên gia phân tích đợt mưa lớn nhất sau gần nửa thế kỷ ở Bắc Bộ

ThienNhien.Net – Phân tích về đợt mưa lịch sử, lớn nhất trong gần 50 năm qua diễn ra tại khu vực Bắc Bộ trong nhiều ngày qua, tại cuộc họp báo diễn ra chiều 29/7, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đợt mưa này bắt đầu từ ngày 23/7, dự báo đến 4/8 mới kết thúc.

Theo ông Cường, đợt mưa lịch sử trên chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, mưa bắt đầu xuất hiện ở khu vực Tây Bắc, trọng điểm là tỉnh Sơn La vào đêm 23 đến 24/7, với lượng mưa trung bình khoảng 130mm, điểm lớn nhất 300mm (Sơn La). Giai đoạn 2 từ trưa 26/7 đến nay.

“Ở giai đoạn hai này, mưa đã bắt đầu ngừng khu vực Tây Bắc và dịch chuyển sang các tỉnh ven biển Đông Bắc, đặc biển là tỉnh Quảng Ninh. Tại đây đã xảy ra mưa cực lớn ở các huyện ven biển từ Móng Cái đến Hạ Long với tổng lượng mưa lên tới 1.000mm trong 3 ngày. Tổng lượng mưa trung bình cả vùng ven biển Quảng Ninh dao động khoảng 500-800mm, có nơi trên 1.000 mm. Thậm chí, có những điểm không thể đo được có thể lượng mưa sẽ cao hơn nữa, trên 1.000mm,” ông Cường thông tin.

Ông cường cũng cho biết, trận mưa lịch sử trên là hiện tượng bất khả kháng. Trong ngày 23/7 đã xuất hiện rãnh thấp ở Vịnh Bắc bộ, trong nền rãnh thấp xuất hiện vùng áp thấp trên tạo vùng đối lưu từ đất, từ biển lên rất mạnh mẽ. Vùng áp thấp gần như trọn vẹn trên Vịnh Bắc bộ nên gây mưa lớn chủ yếu ở Vịnh Bắc bộ và một phần đất liền.

“Việc vùng áp thấp duy trì ở Vịnh Bắc Bộ là may mắn, bởi nếu vùng áp thấp tiến vào đất liền sẽ gây hệ quả lớn hơn nữa, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở, và sẽ gây thiệt hại lớn về người và của,” ông Cường nói.

​Phân tích rõ hơn việc sạt lở trong đợt mưa lớn tại Quảng Ninh, ông Trần Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mặc dù Quảng Ninh không phải địa phương có nguy cơ sạt lở cao như các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, tuy nhiên với trận mưa lịch xảy ra trong những ngày qua thì việc gây sạt lở là điều dễ hiểu.

“Thậm chí, nếu mưa lớn còn xuất hiện trong những ngày tới thì khả năng sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trên toàn khu vực đồi núi của tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, lũ quét và sạt lở cũng có thể xuất hiện tại các khu vực ven sông-nơi có địa chất phức tạp,” ông Hùng cảnh báo.

Nước lũ từ trên đồi đổ xuống nhà các hộ dân tại phường Hồng Hà, Hạ Long (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Nước lũ từ trên đồi đổ xuống nhà các hộ dân tại phường Hồng Hà, Hạ Long (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho rằng, địa hình ở vùng Quảng Ninh rất phức tạp như một quả núi nhân tạo, có nhiều mõng rỗng. Vì thế, khi gặp lượng mưa lớn thì khả năng sụt lún, sạt lở đất đá là điều không thể tránh khỏi.

“Hơn thế, khu vực này lại là nơi tập trung lượng bùn than lớn, nên khi xảy ra mưa lịch sử sẽ gây vỡ hồ chứa, tràn xuống đường và xâm nhập vào nhà dân,” ông Tăng nói.

Ông Tăng cũng khẳng định, đợt mưa lịch sử vừa qua là một hình thái nguy hiểm, gây mưa cho Bắc Bộ trong năm nay. Hình thế mưa đợt này so với bão mạnh là gần như nhau, hiện tượng này rất hiếm gặp. Lượng mưa đạt kỷ lục so với rất nhiều năm trước ở khu vực Quảng Ninh trong 40-50 qua. (Tổng lượng mưa tổng 3 ngày xấp xỉ 1.000mm).

Trong những ngày tới mưa sẽ dịch chuyển sang phía Đông Đông Bắc

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, những điểm mưa với lượng 300mm trong 12 tiếng sẽ không còn, các vùng Đông Bắc vẫn sẽ còn mưa, nhưng không nhiều như trước.

Cụ thể, từ ngày 29/7, các điểm mưa tại Quảng Ninh sẽ dịch chuyển sang phía Đông Đông Bắc như các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn với lượng mưa gần 100mm. Theo đó, thời gian mưa sẽ diễn ra từ chiều về đêm và có lúc đứt quãng. Mặc dù đợt mưa những ngày tới sẽ không quá nguy hiểm như ở Quảng Ninh, tuy nhiên toàn Bắc bộ vẫn có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở ở vùng núi.

Theo nhận định của ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 29/3 đến 4/8 mưa sẽ tiếp tục xuất hiện. Cụ thể, từ ngày 29 đến hết tháng 7, vùng Đông Bắc tiếp tục mưa to đến rất to, và diện mưa vào sâu trong lục địa Bắc bộ với lượng mưa phổ biến 50-100mm (trong 6 tiếng). Thậm chí có nơi có lượng mưa cao hơn. Khu vực này sẽ có tổng lượng mưa từ 200-300mm.

“Với hình thế mưa như vậy, trong vài ba ngày tới, chúng tôi sẽ có gắng dự báo trước 6 đến 12 tiếng,” ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, bắt đầu từ đêm 31/7 đến 4/8, vùng áp thấp sẽ dịch chuyển vào khu vực đất liền Đồng bằng Bắc Bộ, và miền núi phía Bắc. Mưa dù không to, cường độ không mạnh nhưng lượng mưa sẽ đều đặn và hình thái giống với ở Vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 31/7 đến hết 2/8 , mưa to với tổng lượng mưa xấp xỉ 300mm, có những nơi có thể lớn hơn. Sau ngày 2/8, diện mưa vẫn trên diện rộng, lượng mưa sẽ giảm hơn kéo dài đến 4/8.