Những mối đe dọa từ các dịch bệnh tới cộng đồng

ThienNhien.Net – Hơn hai thế kỷ trước, khoa học đã đạt được thành tựu to lớn trong việc chiến đấu lại bệnh dịch lây lan nhưng những “cuộc chiến” lớn nhất có thể vẫn đang tiếp diễn. Bởi, ngày nay, với sự phát triển của giao thông đường không, những căn bệnh dễ lây lan càng ngày càng lan rộng nhanh hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn đã có khả năng kháng kháng sinh. Những “kẻ thù truyền kiếp” như bệnh bại liệt vẫn chưa triệt tiêu hoàn toàn. Mặt khác, một số bệnh sau chữa trị vẫn có khả năng tái phát, với mức độ trầm trọng hơn. Những bệnh dịch mới đang xuất hiện với tỷ lệ hàng năm cao chưa từng có.
 

Những nỗ lực hạn chế dịch bệnh
Trong lịch sử, nhân loại đã gặp nhiều thách thức từ sự bùng nổ bệnh dịch truyền nhiễm và con người cũng đã sử dụng nhiều phương cách để chống lại bệnh dịch. Dưới đây là một số cách:
 
Cách ly người ốm với người bình thường là một cách tiếp cận để kiểm soát bệnh dịch từ xưa, đặc biệt là bệnh phong. Thực tiễn này được biết đến rộng rãi như một “luật kiểm dịch” vào cuối thế kỷ 14, khi con người đến các bến cảng từ những vùng lây nhiễm bệnh và phải cách ly ít nhất 40 ngày. “Luật kiểm dịch” trở nên phổ biến trong những thế kỷ tiếp sau đó, mặc dù nó đã được chứng minh là không hoàn toàn hiệu quả.
 
Trong thời kỳ dịch tả ở London vào giữa thế kỷ 19, John Snow – một bác sỹ người Anh đã phát hiện ra rằng bệnh tả có thể lây lan qua nguồn nước ô nhiễm. Phát hiện này của ông đã dẫn tới sáng kiến vệ sinh nguồn nước ở các nước công nghiệp, những nơi này đã giảm đáng kể nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, bệnh tả vẫn đang còn là một mối đe doạ lớn tới sức khoẻ của những nước đang phát triển – nơi khan hiếm nguồn nước sạch.
 
Vào thế kỷ 18, một bác sĩ người Anh khác, Edward Jenner, nghiên cứu thành công vắc xin chữa bệnh giang mai, một trong những căn bệnh lâu đời nhất và nguy hiểm nhất trong số những bệnh dịch của con người. Vào năm 1979, một dự án phòng ngừa đã thành công trong việc chữa trị căn bệnh này. Những mẫu virut nhỏ được giữ lại cho mục đích nghiên cứu, điều này làm tăng nỗi lo sợ rằng virut này có thể xuất hiện trở lại cùng với vũ khí sinh học huỷ diệt.
 
Sự cần thiết về việc ra đời của một hội đồng quốc tế sức khoẻ cộng đồng đã dẫn tới việc thành lập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 1948. Những quy định quốc tế về sức khoẻ đã được đề ra vào năm 1969 để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch truyền nhiễm qua biên giới quốc gia.
 
Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh từ đâu?
 
Rất nhiều mối đe doạ tới sức khoẻ cộng đồng do chính con người gây ra bởi sự thiếu hiểu biết và thiếu thận trọng của mình.
 
Trong những năm 1960, nhiều nơi đã triển khai việc phun thuốc trừ sâu với quy mô lớn để ngăn chặn dịch bệnh do sâu bọ, côn trùng gây ra phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, do thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, người ta đã không tính đến tác hại của TTS đối với sức khỏe con người, đồng thời cũng không lường trước được rằng những dịch bệnh đó vẫn có thể bùng phát trở lại khi các dự án phun thuốc này chấm dứt.
 
Chiến tranh cũng là một mối đe doạ tới sức khoẻ cộng đồng, không chỉ có rất nhiều người chết trong cuộc chiến. Xung đột quân sự có thể phá huỷ những hệ thống y tế, làm cho con người trở nên mẫn cảm hơn với những bệnh dịch lây lan, đặc biệt là khi dân số đông đúc. 14 năm trước đây, khoảng 50.000 người Rwanda đã thiệt mạng trong vòng 1 tháng, do bệnh tả, khi họ di cư đến một trại tị nạn đông đúc và chật hẹp.  
 
Lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm xuất hiện những vi khuẩn có thể kháng thuốc đối với các phương pháp chữa trị thông thường. Điều này đe doạ khả năng chữa trị một số bệnh nguy hiểm, như bệnh lao.
 
Chăn nuôi gia súc không hợp lý có thể gây ra nhiều nguy cơ về sự bùng nổ bệnh dịch lây làn từ động vật sang người. Trên thực tế, rất nhiều bệnh dịch mới đã xuất hiện, như bệnh bò điên, SARS hay cúm gia cầm, bắt nguồn từ động vật.
 
Sự thay đổi điều kiện khí hậu có thể làm thay đổi phạm vi lây lan của những bệnh dịch truyền nhiễm. Ví dụ, lượng mưa tăng có thể gây ra nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm qua côn trùng.
 
Việc phụ thuộc vào hoá chất và phóng xạ trong điều trị bệnh tật cũng có những rủi ro, như vấn đề dược phẩm quá hạn không được xử lý tốt, sự rò rỉ phóng xạ,…
 
Tình hình dịch bệnh trên thế giới
 
Trong những năm đầu thế kỷ 21 mà chúng ta vừa đi qua, có 2 mối đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng: những bức thư mang vi khuẩn bệnh than ở Mỹ và sự bùng nổ dịch SARS ở châu Á.
 
Năm 2001, những bức thư mang mầm mống bệnh than đã được gửi đến hai thượng nghị sĩ  và một vài văn phòng truyền thông ở Mỹ, gây tử vong 5 người và lây lan cho 17 người khác. Những vụ tấn công này gây cảnh báo lớn và lập tức nhận được sự phản ứng của cộng đồng.
 
Chúng thể hiện nguy cơ tiềm tàng của việc những kẻ chống đối xã hội có thể lợi dụng vũ khí  sinh học để tàn phá nền kinh tế, xã hội. Một thông điệp lớn kêu gọi tinh thần cảnh giác cao độ đã được truyền đến mọi quốc gia.
 
Bệnh SARS (hội chứng hô hấp cấp thể nặng) đã gây thiệt mạng cho hàng trăm người và làm hàng ngàn người nhiễm bệnh trong suốt năm 2003. Bệnh SARS được cho là có nguồn gốc từ động vật (loài cầy), xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc sau đó lây lan nhanh chóng ra các nước khác, chủ yếu bởi du khách đi máy bay. Bệnh dịch này đã làm du lịch đình trệ và làm tổn thất hàng tỉ USD cho nền kinh tế châu Á.
 
Bên cạnh đó, các dịch bệnh từ xa xưa như cúm, lao, bại liệt vẫn trở đi, trở lại, thậm chí tái bùng phát hay biến đổi gây ra những mối lo về sức khỏe cho con người.
 
Cúm được gây ra bởi loại vi rút biến đổi thường xuyên, dễ lây lan thành dịch bệnh. Trong thế kỷ trước, thế giới đã phải chịu đựng một vài dịch cúm lịch sử như đợt dịch cúm Tây Ban Nha vào những năm 1918-1919, giết chết hàng triệu người.
 
Hàng năm, dịch cúm ở người lan rộng nhanh chóng trên khắp thế giới vào những mùa dịch, gây ra khoảng 3 – 5 triệu ca bệnh nghiêm trọng và 500.000 cái chết, chủ yếu ở người già. 50 năm trước, một mạng lưới giám sát toàn cầu đã được thiết lập để theo dõi sự thay đổi định kỳ của virut cúm và phát động những đợt tiêm vắc xin vào mùa dịch.
 
Cúm gia cầm, được biết tới với cái tên H5N1, đã gây ra cái chết hàng loạt ở các loài chim hoang dã tại nhiều nơi trên thế giới và buộc con người phải tiêu hủy hàng triệu đàn gia cầm chăn nuôi. Vi rút H5N1 đã lây nhiễm cho một số lượng lớn những người tiếp xúc với gia cầm bệnh, nhưng may mắn đến nay nó vẫn chưa biến đổi thành dịch bênh lây lan giữa người với người.
 
Mặc dù vậy, chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới đã chuẩn bị để ứng phó với tình hình xấu nhât. Một vài dự báo cho thấy H5N1 có thể gây ra một dịch bệnh làm lây nhiễm khoảng 1,5 tỷ người (tức gần ¼ dân số thế giới hiện nay) và gây ra những thiệt hại to lớn cho xã hội và nền kinh tế tòan cầu.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xây dựng chương trình hành động chiến lược để giúp các nước đối phó với dịch cúm, đồng thời trợ giúp những nước có dịch bệnh. Để giảm thiểu và quản lý tốt dịch bệnh cúm, Tổ chức Phòng chống Bệnh dịch cúm Liên hợp quốc (UNSIC) đã được thiết lập vào năm 2005 để đáp ứng những yêu cầu của chính phủ các nước trong việc hợp tác và duy trì sự ủng hộ để thực hiện những dự án phòng chống cúm ở gia cầm và cả ở người.
 
Bệnh lao gây ra bới vi khuẩn lây truyền trong không khí. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tỉ lệ tử vong cao nhất. Vi khuẩn lao có khả năng kháng thuốc rất cao, điều đó đã gây nhiều cản trở trong việc điều trị bệnh. Thế giới đã phát hiện những ca bệnh lao nhờn thuốc tại ít nhất 37 quốc gia.

Vi khuẩn lao không những nhờn thuốc với kháng sinh thông thường, mà còn nhờn thuốc với một vài loại kháng sinh liều mạnh mới, điều này càng gia tăng khi bệnh nhân không tuân thủ đúng chỉ dẫn điều trị và điều trị không dứt điểm.
 
Với hậu thuẫn là sự bành trướng của căn bệnh thế kỷ AIDS (làm suy yếu hệ miễn dịch), bệnh lao ngày càng lan rộng và trở thành một mối đe doạ lớn đối với cộng đồng. Những người bị nhiễm HIV nếu đồng thời nhiễm lao và không thể chữa trị dứt, có thể tử vong trong vòng vài tuần.

Bệnh bại liệt được gây ra bởi một loại virut tấn công vào hệ thống thần kinh và gây ra chứng liệt.

Vào cuối thế kỷ 20, căn bệnh này gần như đã được triệt bỏ tận gốc nhờ vắc xin và sự quản lý tốt. Tuy nhiên, vào năm 2003, một số nơi ở Nigeria đã ngừng cho trẻ em uống vắc xin bởi một vài tuyên bố không có căn cứ rằng uống vắc xin qua miệng là không an toàn.
 
Điều này đã dẫn tới sự tái bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh, làm cho hàng nghìn trẻ em ở Nigeria bị liệt và lây lan tới những nước khác ở châu Phi, châu Á và Trung Đông. Dưới áp lực quốc tế, Nigeria đã khôi phục lại việc uống vắc xin cho trẻ, nhưng dịch bại liệt vấn tiếp tục kéo dài tới tận năm 2006.

Ngày nay, bệnh bại liệt đã bị đẩy lui nhưng bài học về câu chuyện xảy ra ở Nigeria vẫn luôn nhắc nhở các quốc gia về việc duy trì cảnh giác và sẵn sàng đối phó lại bất cứ sự bùng nổ bệnh dịch hay đột biến, từ bất kỳ vi rút nào. Những nỗ lực vẫn phải được tiếp tục ngay cả khi dịch bệnh đã được triệt tiêu bởi“mọi thứ đều có thể đến bất ngờ mà không ai dự báo được, chẳng hạn trong người hợp những mẫu vi rút được cất giữ cho mục đích nghiên cứu được “phóng” ra vô tình hay có chủ đích.

Nhằm đối phó với nguy cơ bệnh dịch cũ bùng phát và sự sinh sôi nảy nở của các loại bệnh dịch mới, mỗi quốc gia, khu vực không chỉ phải bảo vệ chính mình mà còn chung tay hợp tác với các quốc gia khác nhằm đương đầu với “kẻ thù” chung của nhân loại – bệnh dịch.