Giảm tổn thương cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai

ThienNhien.Net – Sau thiên tai, do nguồn nước và môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, phụ nữ và trẻ em bị ốm, bị bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa vẫn nhiều hơn cả.

Năm nay Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc chọn chủ đề cho Ngày Dân số thế giới (11/7) là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”. Đây là một chủ đề có tính nhân văn cao, đồng thời nêu nhiều vấn đề “nóng” đang được cộng đồng toàn cầu và Việt Nam quan tâm, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với những người dân chịu nhiều tác động của thiên tai, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu
Việt Nam là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Mỗi năm nước ta phải hứng chịu nhiều cơn bão, lũ, mưa lụt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất. Đối mặt với thiên tai, chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em.

Chúng ta không thể quên những hình ảnh thương tâm về những phụ nữ “vượt cạn” trong bão lụt, mưa lũ, do thiếu thốn các phương tiện y tế đã không qua khỏi; hay hình ảnh những em bé phải đi bộ cả chục cây số để lấy về mấy can nước ở vùng khô hạn, hay bất lực vẫy vùng trong dòng nước xoáy. Không ít người, trong đó đa phần là trẻ em và phụ nữ kiệt sức vì nắng nóng hoặc bị dòng nước ác nghiệt cuốn trôi. Sau thiên tai, do nguồn nước và môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, số người bị nhiễm trùng, bị ốm, bị bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa… nhiều hơn cả vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Đó là một vài ví dụ trong vô vàn những khó khăn, thiếu thốn mà người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai phải hứng chịu và đối mặt hàng ngày. Có những căn bệnh có thể chữa trị, nhưng có những di chứng không dễ chữa khỏi, nhất là những tổn thương về tinh thần.

Sau những mất mát, hai từ mà người ta nhắc đến nhiều nhất là “giá như”. Giá như gia đình người mẹ ấy được tập huấn về kỹ thuật đỡ đẻ tại nhà và được cung cấp “gói đỡ đẻ sạch” dùng một lần để sử dụng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, thì họ đã không thiệt mạng. Giá như các em bé được học bơi và được trông giữ ở những điểm giữ trẻ tập trung trong mùa lũ… Nhưng đó là những “giá như” quá muộn mằn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, thay đổi lượng mưa… sẽ tác động mạnh tới đời sống của người dân. Thế nhưng, khi thiên tai xảy ra, chúng ta mới chỉ chú ý đến việc cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng…, mà xem nhẹ việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Chủ đề “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” mà Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lựa chọn cho Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay, nhắc nhở toàn xã hội nói chung, ngành Dân số nói riêng, cần có những chương trình hành động cụ thể, việc làm thiết thực, để giảm gánh nặng cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai.

Chương trình hành động này cần được tiến hành bài bản, khoa học, lâu dài, nhưng trước mắt, ngành Dân số cần tăng cường tập huấn các kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai. Các ngành chức năng cũng cần cung cấp kịp thời, hiệu quả dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trước, trong và sau thiên tai, nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số; tạo mối quan hệ liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thanh niên, thiếu niên với các dịch vụ khác như sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý, cuộc sống, giáo dục…

Bên cạnh đó, chúng ta cần có các dự án nhỏ, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ các nhóm dân số đặc thù ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục tuyên truyền người dân không thực hành lựa chọn giới tính khi sinh, giảm áp lực phải có con trai trong các gia đình; Nâng cao chất lượng dân số ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai… cũng là việc cần làm ngay, góp phần giảm tổn thương cho người dân ở những khu vực này.