Chuẩn bị nguồn lực trên toàn hệ thống ứng phó với thiên tai năm 2019

Ngày 22/5, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị trước mùa thiên tai năm 2019 nhằm chuẩn bị các điều kiện, phương tiện, cơ chế, nguồn lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai, thảm họa có thể xảy ra.

Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22/5/1946 – 22/5/2019), hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2019 với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”.

Sáng 22/5/2019, tại Hà Nội, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tổ chức Hội nghị trước mùa thiên tai năm 2019. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Mỗi năm thiên tai làm hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế chiếm từ 1 -1,5% GDP, gây hệ lụy, hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sản xuất của người dân.

Thêm vào đó, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước, tần suất tăng lên, cường độ mạnh hơn rõ rệt nên số người cần trợ giúp ngày một nhiều…

Do đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức hội nghị trước mùa thiên tai hàng năm nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các hoạt động ứng phó thiên tai; kêu gọi, vận động nguồn lực; triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng ngừa tới cộng đồng; giảm thiểu thiệt hại khi ứng phó và từng bước cụ thể hoá mục tiêu chiến lược xây dựng cộng đồng an toàn.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong điều phối các hoạt động nhân đạo trong đó có các hoạt động cứu trợ kịp thời đồng bào bị thiên tai, bão lũ.

Hội xác định công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Trong những  năm qua, hoạt động này đã chuyển mạnh từ hỗ trợ phòng ngừa sang tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trình bày dự báo về mùa thiên tai 2019 của Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Năm 2018, tổng giá trị công tác ứng phó, cứu trợ thiên tai trong toàn hệ thống Hội đạt 249,5 tỷ đồng, trợ giúp hơn 960.000 lượt người khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Vũ Xuân Thành, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chia sẻ dấu mốc quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai.

Đó là việc là Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy tuần lễ từ ngày 15-22/5 hàng năm làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai.

Công tác chuẩn bị trước thiên tai vô cùng quan trọng bởi một đồng chi cho phòng ngừa thiên tai bằng 7 đồng cho việc ứng phó.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai  và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thời gian qua đã hợp tác trong công cuộc phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của đất nước như: Phối hợp xây dựng tài liệu huấn luyện phòng, chống, khắc phục thảm họa thiên tai ở cơ sở; giới thiệu mô hình phối hợp lực lượng Đội ứng phó thiên tai thảm họa cấp tỉnh…

Ông Vũ Xuân Thành đề nghị thời gian tới, 2 bên cần xây dựng kế hoạch trên cơ sở bám sát yêu cầu thực tiễn, thế mạnh của từng bên; phát huy thế mạnh sẵn có của thành viên Hội chữ thập đỏ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, nhất là công tác tập huấn, đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng…

Để chuẩn bị công tác ứng phó thiên tai năm 2019, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực dự phòng trong toàn hệ thống; triển khai, phổ biến và truyền thông các hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng tiến hành vận động nguồn lực, quan tâm đến khối doanh nghiệp tư nhân tham gia công tác nhân đạo, từ thiện; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, hàng hóa để ứng phó; kiện toàn và nâng cao năng lực cho thành viên đội ứng phó thảm họa và cán bộ Hội các cấp; tình nguyện viên.

Đặc biệt, Hội nghiên cứu áp dụng mô hình “Ứng phó sớm dựa trên dự báo”, ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và sẵn sàng ứng phó với tinh thần chủ động cao nhất khi thiên tai xảy ra…