Hợp tác quản lý khai thác trầm tích bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

ThienNhien.Net – Ngày 26-6, tại Cần Thơ, Diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ bảy được tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đưa ra một khuyến nghị chính sách liên tỉnh để giải quyết vấn đề quản lý khai thác trầm tích không bền vững trên dòng Cửu Long.

260615_dbscl
Dưới sự điều phối của Bộ Tài nguyên và Môi trường và WWF-Việt Nam, các nhà lãnh đạo đã cùng chia sẻ tại Diễn đàn những vấn đề tồn tại và thách thức trong quản lý khai thác trầm tích, đặc biệt là khai thác cát, một nguồn tài nguyên quan trọng của sông. Từ đó, đưa ra giải pháp về chính sách phù hợp cho việc quản lý khai thác trầm tích liên tỉnh. Các tỉnh sau đó sẽ lên kế hoạch triển khai thực hiện khuyến nghị nhằm quản lý khai thác trầm tích bền vững tại địa phương của mình.

Khai thác trầm tích đúng địa điểm, phương pháp, số lượng và thời điểm sẽ giúp cho dòng chảy thông thoáng hơn, góp phần phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác cát hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa hợp lý. Khối lượng khai thác quá lớn, vượt quá mức cho phép nhiều lần. Theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trong năm 2012, khối lượng khai thác tại Việt Nam là 28 triệu m3/năm (và theo Nghiên cứu của WWF là 35 triệu m3/năm), gấp đôi số lượng cát từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về.

WWF–Việt Nam và các đối tác đã thực hiện nhiều nghiên cứu về dòng chảy và vận chuyển trầm tích của dòng sông Mê Công. Một nghiên cứu về sự đóng góp của trầm tích và dinh dưỡng của dòng Mê Công đối với sự ổn định của ĐBSCL, vùng ven biển và nguồn lợi thủy sản, với dữ liệu so sánh từ năm 2003 tới năm 2011, đã cho thấy, tổng lượng trầm tích đã giảm khoảng 4% – 5% trong giai đoạn này. Đây là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho nông nghiệp, nuôi dưỡng ngành thủy sản và duy trì sự đa dạng sinh học. Thêm vào đó, các nghiên cứu này đều cho thấy, ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp do xói lở và chìm dần so với mực nước biển. Dòng Mê Công, đặc biệt khu vực ĐBSCL, đã có những phản ứng lại đối với sự thay đổi ở lưu vực, thể hiện sự nhạy cảm cao đối với mức độ thay đổi hiện tại.

“Việc khai thác trầm tích không bền vững như khai thác quá độ sâu cho phép, quá gần bờ sông gây nhiều tác hại như ô nhiễm, sạt lở, tăng độ nhiễm mặn, thiệt hại cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái sông và cuộc sống của người dân ven sông”, PGS-TS Đinh Công Sản – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị sông và Phòng chống Thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết. Trong khi đó, các biện pháp giám sát nhằm giảm độ đục, ô nhiễm môi trường hiện chưa có.

Dự báo nhu cầu sử dụng cát trong tương lai của 13 tỉnh, TP ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 lên tới khoảng 1.000 triệu m3. Hiện, ở 13 địa phương ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long. “Với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này mà không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường”, PGS-TS Sản khẳng định.

Đứng trước tình hình này, một số tỉnh đã có những biện pháp phối hợp nhằm giải quyết khẩn cấp vấn đề. Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ đã cùng phối hợp nhằm quản lý khai thác tài nguyên hợp lý. Theo đó, các tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra ngăn chặn khai thác cát trái phép hoặc quá mức cho phép.

“Tuy nhiên, để khai thác bền vững tài nguyên trên một con sông chảy qua 13 tỉnh, thì rất cần có sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh, nhằm đưa ra một quy chế quản lý thống nhất và hợp tác liên tỉnh trong quản lý khai thác cát, sỏi và thực thi pháp luật một cách triệt để”, ông Hoàng Việt, điều phối chương trình Đất ngập nước và Biến đổi Khí hậu của WWF-Việt Nam phát biểu.

“Những tác động của việc suy giảm trầm tích trên vùng ĐBSCL do khai thác cát quá mức và xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, đã có bằng chứng khoa học rõ ràng. Các mối đe dọa và hiểm họa thật sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, những tác động này có thể đảo chiều nếu như việc khai thác trầm tích được quản lý một cách chặt chẽ và phù hợp. Chính vì vậy, Diễn đàn lần này là cơ hội để Bộ TN&MT, các ban ngành và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL có thể xem xét thống nhất một cơ chế phối hợp quản lý liên tỉnhvà một khung chính sách phù hợp để giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Marc Ghoichot, chuyên gia năng lượng bền vững, WWF-Greater Mekong khuyến cáo.

WWF đồng thời cũng đưa ra khuyến nghị các bên liên quan nên xem xét bài học kinh nghiệm của các nước khác. Đặc biệt, phải tính toán chi tiết số lượng có thể khai thác cho từng loại trầm tích (đất sét, cát mịn, cát thô, sỏi) – và quản lý chặt chẽ việc khai thác này.

Diễn đàn Bảo tồn đồng bằng sông Cửu Long là một sáng kiến của WWF, được tổ chức thường niên, nhằm thúc đẩy sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào quá trình ra quyết định về quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên và văn hoá vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL, bảo đảm sinh kế của người dân nông thôn, bảo tồn tính toàn vẹn của các hệ sinh thái đất ngập nước trong khu vực.

Diễn đàn lần thứ bảy tập chung vào chủ đề Quản lý Trầm tích. Ngoài đại diện 13 tỉnh ĐBSCL, Diễn đàn còn có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và khu vực, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, các đại sứ quán và nhà tài trợ.