Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi hành động vì các di sản thế giới

ThienNhien.Net – Các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu trên thế giới đang kêu gọi các hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ những di sản thế giới của UNESCO khỏi các hoạt động khai thác khoáng sản.

Trên thế giới hiện có 197 di sản thiên nhiên, chiếm 1% bề mặt trái đất với những giá trị toàn cầu nổi bật hiếm có về vẻ đẹp tự nhiên và là môi trường sống của các loài động thực vật nguy cấp.

Được công nhận bởi 190 quốc gia, Công ước Quốc tế Bảo vệ Di sản Thế giới chính là cam kết của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ di sản thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, dù được luật pháp bảo vệ, nhiều khu di sản hiện vẫn phải đối mặt với những hiểm họa nghiêm trọng. Các hoạt động khai khoáng, phát triển cơ sở hạ tầng, săn bắn trái phép, biến đổi khí hậu và mở rộng đất nông nghiệp đang đe dọa những giá trị di sản.

Theo ước tính, khoảng một phần tư khu vực di sản thiên nhiên của thế giới và các khu vực lân cận đang bị xâm hại do nhu cầu khoáng sản, dầu khí ngày càng tăng của con người.

Ngày càng nhiều di sản thế giới bị xâm hại bởi các hoạt động khai khoáng. (Ảnh: Dave Wright/FFI)
Ngày càng nhiều di sản thế giới bị xâm hại bởi các hoạt động khai khoáng. (Ảnh: Dave Wright/FFI)

Trước thực trạng trên, FFI cùng 8 tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới (Quỹ Động vật Hoang dã Châu Chi, Hội Động vật học Frankfurt, Hội Hoàng gia về bảo vệ các loài chim – RSPB, Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên, Hiệp hội Hoang dã, Hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế – WWF và Hiệp hội Động vật học Luân Đôn) kêu gọi những hành động ngay lập tức để bảo vệ các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Pippa Howard, Giám đốc Kinh doanh và Đa dạng sinh học của FFI nhấn mạnh: “Những giá trị tự nhiên đáng trân trọng nhất đang bị đe dọa bởi các hoạt động thăm dò và khai thác; việc làm này sẽ dần phá hoại sự bền vững của tài nguyên thiên nhiên toàn cầu nếu không có sự can thiệp kịp thời từ những cơ quan có khả năng tác động đến cấp hoạch định chính sách cao nhất.”

Theo đó, tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị IUCN Các vườn quốc gia Thế giới tổ chức tại Sydney tuần trước đã kêu gọi các bên tham gia công ước Bảo vệ Di sản Thế giới thực hiện nghĩa vụ của mình trong bảo vệ các di sản khỏi hoạt động khai thác khoáng sản.

Tuyên bố cũng kêu gọi các công ty khai khoáng, các tập đoàn công nghiệp và các tổ chức tài chính thông qua và thực hiện chính sách “không xâm phạm”, “không tác động” (“no-go”, “no-impact”). Trong đó, chính sách “không xâm phạm” là cam kết không thực hiện hoặc hỗ trợ hoạt động khai thác trong khu vực di sản thế giới, còn chính sách “không tác động” là cam kết mở rộng hơn, không thực hiện hoặc hỗ trợ các hoạt động khai thác có thể tác động xấu đến các khu vực đó. Chính sách này mặc dù đã được một số công ty khai thác đã thực hiện nhưng vẫn còn bị bỏ ngỏ bởi nhiều công ty khác.

Hội nghị các Vườn quốc gia Thế giới  là cơ hội cho hơn 5.000 đại biểu toàn cầu thảo luận về tương lai của hệ thống khu bảo tồn toàn cầu, trong đó bao gồm các nhân vật quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn trong vấn đề bảo tồn. Tuyên bố chung này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ những giá trị di sản không thể thay thế của nhân loại.