Phát triển kinh tế “xanh” là bước đi tất yếu

ThienNhien.Net – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, phát triển kinh tế “xanh” là bước đi tất yếu, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, phát triển kinh tế “xanh” là bước đi tất yếu. (Ảnh: VOV.VN)
Phó Chủ tịch nước khẳng định, phát triển kinh tế “xanh” là bước đi tất yếu. (Ảnh: VOV.VN)

Chiều 24/6 tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp mặt 40 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nhân tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế môi trường trong tầm nhìn thời đại hướng tới nền kinh tế xanh”. Hội thảo được Hội Kinh tế – Môi trường Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về kết quả Hội thảo, đại diện Hội Kinh tế – Môi trường Việt Nam cho biết: Hội thảo một lần nữa đã khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết chuyển đổi nền kinh tế “nâu”, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, không chú trọng bảo vệ môi trường sang nền kinh tế “xanh”, tiết kiệm nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên. Song song với đó, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ: Khái niệm về phát triển kinh tế “xanh” mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước Liên Hợp Quốc về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu nhưng trong thời gian dài vừa qua, Việt Nam chỉ chú trọng phát triển kinh tế “nâu”, chú trọng đến sự tăng trưởng, ít chú ý đến môi trường. Phát triển kinh tế “xanh” là bước đi tất yếu, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp sẽ quyết định đến việc tiêu dùng “xanh” của người dân, Phó Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, xây dựng công nghệ sản xuất tiên tiến, mô hình quản lý tiết kiệm nhiên liệu, không xả nước thải bừa bãi, sản xuất ra các sản phẩm bảo đảm sức khỏe người dân, thân thiện với môi trường để thực sự trở thành doanh nghiệp “xanh”.

Các nhà khoa học cần nghiên cứu các đề tài khoa học, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước để hướng đến phát triển kinh tế xanh với mục tiêu vì con người, phát triển sản xuất gắn với tái tạo môi trường sinh thái.