Các tỉnh Tây Nguyên chậm thu hồi đất rừng bị lấn chiếm

ThienNhien.Net – Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên có trên 88.603 ha rừng, đất rừng bị đồng bào các dân tộc di cư đến ngoài kế hoạch chặt phá, lấn chiếm trái phép để canh tác, sản xuất nông nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng và tạo ra sự bức xúc trong xã hội, kỷ cương trong quản lý Nhà nước, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép nhiều nhất, với trên 226.471ha, kế đến là tỉnh Kon Tum có 24.637 ha rừng.

Rừng bị phá tại Đắk Lắk (Ảnh: Lao Động)
Rừng bị phá tại Đắk Lắk (Ảnh: Lao Động)

Nguyên nhân chính dẫn đến đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép là do chính quyền các cấp vùng Tây Nguyên chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, thiếu kiên quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên, đồng bộ. Thậm chí, các UBND xã nhiều khi còn làm ngơ hoặc có biểu hiện tiếp tay, hoặc trực tiếp tham gia phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Việc quản lý dân di cư đến ngoài kế hoạch của chính quyền cả nơi dân đi và nơi dân đến đều chưa kiên quyết và triệt để; chậm sắp xếp, đưa đồng bào về định cư ở các vùng quy hoạch.

Ngoài ra, các chủ rừng ở Tây Nguyên thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng được giao, có lúc cán bộ chủ rừng còn làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Một bộ phận cán bộ Kiểm lâm có những biểu hiện tiêu cực gây bức xúc trong xã hội…

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tăng cường quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép; đồng thời, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép ở các tỉnh Tây Nguyên được triển khai thực hiện khá chậm. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk chỉ mới thu hồi được trên 2.000 ha, Đắk Nông gần 1.000 ha…

Nguồn:
Quang Huy/TTXVN