Làm sao để “giải cứu” nông sản từ khi chưa khủng hoảng?

ThienNhien.Net – “Thị trường của nông sản của Việt Nam rất rộng lớn với hơn 100 quốc gia. Nông dân chúng ta rất giỏi, nếu họ được tập hợp lại, được đào tạo chuyên nghiệp, hướng dẫn bài bản thì chắc chắn họ sẽ sản xuất ra những sản phẩm rất chất lượng và khó có thể có nước nào từ chối sản phẩm đó”.

Đây là đánh giá lạc quan của ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN xung quanh câu chuyện “giải cứu nông sản”, trong bối cảnh những tấn vải thiều đầu tiên vừa được doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ.

Tổ chức nông dân vào sản xuất hợp tác

“Hiện nay hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến những địa chỉ khó tính nhất, yêu cầu khắt khe nhất như Mỹ, EU, Australia, Nhật… Năm 2014, chúng ta đã xuất khẩu 40 tấn nhãn lồng sang Mỹ, mới đây chúng ta cũng đã xuất khẩu được 3 tấn vải sang thị trường này. Vì vậy có thể khẳng định rằng nông dân (ND) Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực sản xuất ra những sản phẩm nông sản chất lượng hàng đầu thế giới…” – ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết.

Đoàn chuyên gia Australia khảo sát, tham quan vùng vải thiều ở thị xã Chí Linh (Hải Dương) ngày 7.6. Ảnh: Trần Quang
Đoàn chuyên gia Australia khảo sát, tham quan vùng vải thiều ở thị xã Chí Linh (Hải Dương) ngày 7.6. Ảnh: Trần Quang

Để tiêu thụ được nông sản, ông Hồng cho rằng, trách nhiệm của nông dân là rất lớn vì họ là những người có vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng hay không. Chính vì vậy, ND cần thực hiện đúng quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay nhiều địa phương đang triển khai các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các vùng trồng. Các mô hình này rất hiệu quả, nông sản được sản xuất theo quy trình kỹ thuật, năng suất cao, chất lượng tốt, hàng đẹp và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm từ các mô hình này đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường khó tính nhất thế giới.

Từ góc nhìn cơ quan đại diện cho quyền, lợi ích của gia cấp ND, ông Lại Xuân Môn – Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam đã thống nhất quan điểm phải tổ chức ND thành một khối: “Chúng ta phải tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. ND muốn bán nông sản và xuất khẩu giá cao, số lượng lớn thì dứt khoát phải vào tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất bài bản theo chuỗi và chủ động tất cả các khâu. Ở đó họ liên kết với nhau tạo ra các vùng trồng rộng lớn, họ có thể giám sát lẫn nhau, cùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh”.

Gắn chặt liên kết “nhà nông – doanh nghiệp”

Trao đổi về giải pháp “giải cứu sớm” đối với nông sản, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng-người có rất nhiều năm gắn bó với ND thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay ND đang thiếu người hướng dẫn, định hướng sản xuất. Vai trò đào tạo, hướng dẫn ND không ai làm tốt hơn doanh nghiệp. Vì vậy 2 nhà này cần liên kết chặt chẽ với nhau. Một bên sản xuất và quyết định chất lượng sản phẩm, một bên hiểu rõ những đòi hỏi của thị trường. Hai đối tượng này cần liên kết chặt chẽ với nhau”.

Quan điểmÔng Vũ Xuân Hồng
“Các cơ quan chức năng phải cùng với doanh nghiệp có trách nhiệm đưa nông dân vào chuỗi giá trị sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường”.

Cũng theo ông Nguyễn Lân Hùng, trước mắt, doanh nghiệp cần hướng dẫn bà con sản xuất đúng quy trình, chỉ cho ND bón phân thế nào là đủ, dùng thuốc bảo vệ thực vật ra sao, nên trồng cây gì, sử dụng giống nào. Vì rõ ràng doanh nghiệp hiểu sự đòi hỏi khắt khe của thị trường nên họ sẽ hướng dẫn ND sản xuất đúng yêu cầu của bạn hàng. Nếu doanh nghiệp đầu tư cùng bà con ND thì nông sản Việt Nam sẽ tiến sâu vào thị trường thế giới.

Để giải quyết căn cơ vấn đề “được mùa mất giá”, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: “Chỉ có doanh nghiệp mới làm được, họ có vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên dễ nhận thấy là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất ít ỏi, trong số ít ỏi đó thì đa phần lại chỉ thích làm việc nhẹ nhàng, lo thu gom nguyên liệu khi vào mùa vụ và tính toán giá xuất khẩu sao cho có lợi nhuận, ít quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu và đảm bảo lợi ích của người ND. Vậy nên chúng ta đã thiếu doanh nghiệp tham gia nông nghiệp, lại càng thiếudoanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị, điều đó dẫn tới thiếu người chỉ cho ND nên trồng gì, nên trồng bao nhiêu, nên thu hoạch thời điểm nào. Hệ quả tất yếu là nông sản của ND rất khó tiêu thụ”.

Trong điều kiện ấy, số ít doanh nghiệp thực sự làm ăn bài bản, có tính đến lợi ích hài hòa với ND là điều rất đáng quý, cần được cổ vũ, tạo điều kiện cho họ.

Bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương:

Để thu hút cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia thu mua, xuất khẩu vải thiều của tỉnh sang các thị trường mới mở như Mỹ, Australia…, tỉnh Hải Dương đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ chi phí vận chuyển khoảng 100 đồng/kg với đơn hàng từ 50 tấn trở lên, có ký kết hợp đồng, cam kết thu mua từ đầu vụ cho người nông dân. Tuy nhiên, tính từ năm 2012 đến nay, do chưa có đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu trên, nên tỉnh Hải Dương chưa hỗ trợ. Ngoài ra, còn một số chính sách hỗ trợ chiếu xạ, mặt bằng…, nhưng hiện do còn gặp một số vướng mắc, nên vẫn chỉ nằm trên giấy chưa thực hiện được.

Ông Phạm Nhật Tú – Giám đốc Công ty Ánh Dương Sao (TP.HCM):

Là đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nhãn, vải sang Mỹ, chúng tôi thấy điểm yếu của vải thiều Việt Nam khi tiêu thụ tại Mỹ là giá bán cao, hơn gấp 3 lần vải thiều của Trung Quốc và Thái Lan xuất sang thị trường này. Vì vậy sức cạnh tranh quả vải của ta vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Người dân thị xã Chí Linh (Hải Dương) thu hoạch vải thiều bán cho Công ty Rồng Đỏ. Ảnh: Trần Quang
Người dân thị xã Chí Linh (Hải Dương) thu hoạch vải thiều bán cho Công ty Rồng Đỏ. Ảnh: Trần Quang

Hiện các lô nhãn của Việt Nam xuất sang Mỹ theo 2 đường là hàng không và đường biển. Song, chúng tôi vẫn chủ yếu xuất khẩu nhãn theo đường biển nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng tính cạnh tranh của nhãn ở thị trường Mỹ. Nhưng với vải thiều, khó có thể mang đi theo đường biển, do bảo quản vải không thể đáp ứng được khi vận chuyển dài ngày, nên vẫn phải phụ thuộc vào đường hàng không. Hiện trái vải Việt Nam đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn do nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ, Australia và nhiều nước khác ở châu Âu, Trung Đông đến cả thị trường châu Phi… ở mức cao.

Trần Quang (ghi)