Ghi ở Giang Đông

ThienNhien.Net – Hàng chục căn nhà tái định cư được xây dựng tiền tỷ nhưng không có người ở, bỏ mặc cho mưa nắng tàn phá tan hoang trong khi đó để kiếm miếng cơm manh áo người dân tìm mọi cách “cố thủ” nơi làng cũ trong rừng không chịu di dời, mặc cho chính quyền nhiều lần vận động. Cuộc sống trong những căn nhà tạm bợ che lá, dựng phên không điện, không nước sinh hoạt cùng cái đói, cái nghèo, tảo hôn, tệ nạn ma túy đang ngày ngày bủa vây là những câu chuyện ở thôn Giang Đông, xã Ea Đah, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Bà Mùi Thị Hờ (60 tuổi) đang nhặt đá trên mảnh đất gia đình để trồng mì. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Bà Mùi Thị Hờ (60 tuổi) đang nhặt đá trên mảnh đất gia đình để trồng mì. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Làng không người…

Mặc dù nằm cách UBND xã Ea Đah chưa đầy 200 mét vậy nhưng thôn Giang Đông- nơi cư ngụ của 147 hộ dân với 807 khẩu lại như ngôi làng hoang. Cả làng có 87 căn nhà thì chỉ có 10 căn nhà có người ở, còn lại là bỏ hoang. Dạo một vòng quanh làng hình ảnh đập vào mắt là hàng chục căn nhà xây đang xuống cấp trầm trọng, nhiều căn cỏ mọc um tùm che khuất cả lối đi, mái tôn bị gió xé tơi tả, các cánh cửa kính vỡ nát vụn, lá cây, bụi đất phủ khắp cả nền nhà…

Đang loay hoay chưa biết hỏi ai thì may mắn tôi gặp được Trưởng thôn Giàng A Nụ vừa mới đi họp về. Trưởng thôn Nụ nói: “Ở đây chỉ còn người già và người hay đau ốm, bệnh tật thôi. Hôm nào đi học thì còn mấy đứa trẻ con ra trọ, còn phần lớn người dân họ ở trong làng cũ”.

Làng cũ mà ông Nụ nhắc tới là ngôi làng nằm trong rừng phòng hộ Krông Năng, năm 1995-1996, hàng chục hộ dân ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái di cư vào đây sinh sống. Do lo sợ người dân phá rừng lấn đất, gây ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nên năm 2004 để ổn định dân di cư tự do, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai xây dựng khu tái định cư thôn Giang Đông; cấp cho mỗi hộ 1 căn nhà cấp 4 với diện tích 24m2 trị giá 10 triệu đồng và 2,5 triệu đồng tiền khai hoang, đồng thời chính quyền hứa sẽ cấp mỗi gia đình 1 sào đất ở, 2 sào ruộng, 5 sào rẫy. Thế nhưng năm 2006, sau khi di dời ra khu tái định cư do đất sản xuất ít, bạc màu, không có nước tưới, người dân chỉ trồng được mỗi vụ mì (sắn), quá khó khăn nên họ lại rủ nhau quay lại thôn cũ để sản xuất. Ông Nụ than thở: Không chỉ có đất xấu, mà nhà họ làm nhỏ vừa thấp vừa nóng nực trong khi mỗi hộ ở đây trung bình có 5 đến 6 người nên họ không ở được. Hiện cả thôn có 147 hộ thì có tới 136 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo và 3 hộ mới thoát nghèo. Do điều kiệu khó khăn nên nhiều hộ dân đã bán đất rẫy, thậm chí họ dỡ cả nhà 167 bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. Người dân trong thôn mong mỏi chính quyền các cấp tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 300 héc ta tại tiểu khu 342 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng để người yên tâm sản xuất. Không chỉ có đất mà người dân Giang Đông còn muốn có thêm điện sáng, đường thông để đẩy lùi đi những tệ nạn ma túy, tảo hôn đang bám lấy thôn nghèo này.

Một ngôi nhà bị người dân bỏ hoang đang xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Một ngôi nhà bị người dân bỏ hoang đang xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

… và những chuyện buồn

Mặc dù trẻ em Giang Đông luôn được các cấp chính quyền động viên đến trường, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lo cái ăn chưa đủ nên cả thôn có hơn 50 em đang trong độ tuổi đến trường thì có 30 cháu đành bỏ học giữa chừng. Hiện thôn chỉ có 6 em học cấp 3 và 1 em học đại học. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới cũng vì không được đến lớp các em lại cùng nhau xây dựng gia đình “trẻ thơ” khi vừa bước vào tuổi 13, 14.

Cô bé Vừ Thị Cu, sinh năm 2000, một học sinh giỏi được cô mến, bạn yêu là một trong những học sinh tiêu biểu của Đắk Lắk được ra Thủ đô lại bỏ học lấy chồng sớm như vậy. Ở cái tuổi 15 so với các bạn khác cùng trang lứa đang ôm sách đến trường để học tập và xây dựng những hoài bão cho bản thân thì em lại cùng chồng là Chảo Kiều Đức (sinh năm 1999) phát nương, làm rẫy để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Tương tự, sinh năm 2001 nhưng Giàng Thị Nhè đã sớm kiếm cho mình Vàng A Tòng (SN 1999) làm người đầu ấp tay gối. Hiện đôi vợ chồng trẻ con này đang chờ tiếng khóc của đứa con đầu lòng. Ông Sùng Chờ Câu, Trưởng ban Mặt trận thôn Giang Đông cho biết, trong thôn hiện có gần 80% số cặp vợ chồng trẻ cưới nhau chưa đủ tuổi. Mặc dù, chính quyền địa phương cũng có nhiều cuộc họp tuyên truyền vận động nhưng kiến thức của bà con còn hạn chế, nên con cứ lớn lên là bắt kết hôn.

Bên cạnh nạn tảo hôn thì thôn Giang Đông còn là điểm nóng về mua bán, sử dụng các chất ma túy. Không chỉ cái đói, cái ngèo đeo bám mà ma túy cũng không chịu buông tha cho những gia đình khốn khổ nơi đây. Ông Nụ cho biết, toàn thôn hiện có 12 người nghiện ma túy, 4 người đi tù vì tội mua bán, tàng trữ chất ma túy. Thôn đã có 4 người sốc thuốc chết khi chích ma túy trong đó có cặp vợ chồng ông Sùng A Song và vợ là Đinh Thị Hảo chết năm 2011. Hiện trong thôn có 2 gia đình có cả vợ và chồng đều nghiện ma túy nặng là Hờ A Hủ và vợ là Sùng Thị Ư; Phàng A Chóng và vợ là Giàng Thị Lú.

Tình người trong gian khó

Có lẽ cái kết cho câu chuyện ở thôn nghèo Giang Đông này là dù sống trong muôn vàn khó khăn nhưng vẫn ánh lên những tấm lòng của những con người có trái tim nhân hậu. Gần 20 năm qua, dù hoàn cảnh gia đình cũng không khấm khá hơn người khác trong làng nhưng ông Sùng Vảng Lao là người được cả làng nể trọng bởi ông đã đứng ra nhận nuôi và làm bố của 20 đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. Với ông được giúp người khác là niềm vui, niềm hạnh phúc của cuộc đời. Ông bảo dù ông nghèo vật chất, tiền bạc nhưng tình thương thì ông không bao giờ nghèo bởi đó là tài sàn mà ông nội và bố ông để lại cho ông. Ngày trước khi gia đình ông còn sống ở xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) cụ nội ông đã nhận nuôi nhiều đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Đến đời bố ông là Sùng La Giống cũng nhận nuôi 5 đứa trẻ mồ côi. Cái nghiệp thương người đến với ông từ năm 1993, khi thấy đứa trẻ nhỏ 5 tuổi Nguyễn Thị Hồng con của một đôi vợ chồng nghiện ma túy nặng ở trong làng bị bỏ rơi, ông đã đưa về nuôi và đặt tên là Sùng Thị Hoa đó là người con nuôi đầu tiên của gia đình ông và cũng từ đó cho đến năm 1996, sau khi vào quê hương Đắk Lắk sinh sống ông lại nối nghiêp tổ tông nhận nuôi con người khác. Ở quê mới Đắk Lắk, tuy vất vả lam lũ làm nương rẫy lo cho 7 đứa con thơ, nhưng thấy hoàn cảnh Sùng A Ly (12 tuổi) và Giàng A Páo (16 tuổi) vì bố chết, mẹ bỏ đi biệt tích hằng ngày canh không no, cơm không phải làm thuê làm mướn mưu sinh ông lại rộng mở tấm lòng đón nhận các con về trong căn nhà tạm của mình. Giàng A Páo được ông Lao nhận nuôi năm 1997, đến năm 2000 Páo lấy vợ, sinh con. Ngày đứa con thứ 7 của Páo chào đời, cũng là ngày Páo chết vì ung thư phổi. Ít lâu sau, vợ Páo mất tích trong lúc đi rẫy, 7 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, vợ chồng ông Lao lại đón cả về nuôi.

Không chỉ nuôi con người khác mà ngay cả con của em ruột ông cũng phải ra sức chăm sóc. Lười lao động, muốn nhàn nhã nhưng có tiền nhiều, vợ chồng người em gái là Sùng Thị Ca và chồng là Sùng A Sơn đã đưa 5 đứa con sang gửi gia đình ông Lao với lý do đi làm ăn xa. Thế nhưng năm 2012, cả 2 vợ chồng phải vào tù bóc lịch vì tội buôn bán ma túy. Mới đây ông còn nhận nuôi thêm 5 đứa con của bà Vàng Thị Đủ một người trong làng. Bà Đủ sau vào Đắk Lắk lấy chồng sinh 5 người con, do cuộc sống khó khăn, chồng bỏ đi, bà lấy cớ về thăm quê cũ gửi nhờ hàng xóm trông giúp. Thế nhưng bà Đủ không quay lại nuôi con mà bỏ sang Trung Quốc lấy chồng khác không về. Thấy hoàn cảnh các cháu khó khăn, không còn cha mẹ, ông Lao đã đưa về chăm sóc, dạy dỗ. Ngoài những đứa con nuôi đã lớn, lập gia đình ra ở riêng, hiện tại vợ chồng ông Lao còn phải lo cho 2 đứa con đẻ và 13 đứa con nuôi ăn, học. Trong đó, 6 đứa lớn học ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Phước, 4 đứa còn nhỏ đang học tại Trường Tình thương Vinh Sơn, 2 đứa học tại thành phố Buôn Ma Thuột và 3 đứa đang học tại thôn Giang Đông.

Niềm vui nữa là- nói như ông Cao Kỳ Thuyết- Chủ tịch UBND xã Ea Đah thì rất hy vọng tới đây khi Dự án 342 sớm được thực hiện với nguồn kinh phí 110 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, cấp đất cho hơn 300 hộ dân hai thôn Giang Đông và Giang Thanh thì người dân sẽ an cư, lập nghiệp, Nhưng điều đó vẫn còn ở phía trước.