Quảng Nam, Đà Nẵng “nóng” tình trạng khai thác đất, cát (Kỳ 4)

Bài 4: Chấn chỉnh công tác quản lý khai thác khoáng sản

ThienNhien.Net – Hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua còn có một bất cập khác đó là tình trạng sau khi khai thác được nguồn tài nguyên, các đơn vị khai thác nhanh chóng “rút lui” để mặc những hậu quả về cả môi trường và xã hội cho người dân, chính quyền tự xử lý.

11 giờ ngày 6-5, từ QL14B, chúng tôi vượt qua hơn 2km đường đầy đất đá vào thực tế tại khu “đại công trường” khai thác đá ở thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng). Nói vậy bởi ở đây đang tập trung rất nhiều Cty, đơn vị khai thác đá, đất đồi như: Chu Lai, Đỗ Hữu Minh, Huỳnh Đức Mai, 323, Đô Thị (vừa mới hết giấy phép), Hoàng Khoa và các mỏ khai thác đất đồi như: Phúc Đại, Nguyễn Phan Chánh… Dưới cái nắng như đổ lửa của những ngày hè cộng với cảnh tượng những ngọn đồi bị cạo trọc cây, nham nhở những khối đá khổng lồ được các đơn vị bỏ lại hiện trường làm cho sức nóng cứ ngày càng tăng lên. Vị cán bộ xã Hòa Nhơn dẫn tôi đi cảnh báo: “thời điểm này chưa có nổ mìn đó, chứ đúng lúc thì chắc anh không thể chịu nổi đâu”.

Ông Nguyễn Tấn Phát – Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, trên địa bàn xã hiện tập trung khá đông các doanh nghiệp và đơn vị khai thác đá, đất đồi. Đa phần các đơn vị đều nghiêm chỉnh chấp hành nhưng bên cạnh đó vẫn có một số đơn vị để xảy ra vi phạm, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Ông Phát dẫn chứng, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, cách đây khoảng nửa tháng, xã phát hiện một đơn vị đang bóc tầng phủ lớp đất mặt để khai thác đá ra ngoài ranh giới được cấp nên tiến hành lập biên bản nhắc nhở và đơn vị đã chấp hành. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hiện tượng xói mòn và bồi lấp ruộng đồng ở một số vị trí khai thác đá, mất nguồn nước ngầm do lớp đất mặt bị bóc…

Tại thôn Phước Thuận, hiện có khoảng 40 hộ chịu ảnh hưởng này. Đặc biệt, đa phần các đơn vị khi khai thác xong không chịu hoàn thổ, một số đơn vị khác khi ngừng khai thác không chịu bồi thường cho người dân với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. “Bất cập lớn nhất hiện nay là khu Phước Thuận nằm trong khu quy hoạch đường vào mỏ đá Hòa Nhơn, tập trung các doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng. Vậy nhưng hiện vẫn còn khoảng 100 hộ dân chưa được di dời nên cuộc sống của họ rất khó khăn do ảnh hưởng nhiều mặt từ hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị này. Chính quyền xã Hòa Nhơn mong rằng TP sớm triển khai di dời các hộ này đến nơi ở mới để họ yên tâm sinh sống” – ông Phát nhấn mạnh.

Hiện trường một mỏ khai thác đất đồi trái phép bị phát hiện. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Hiện trường một mỏ khai thác đất đồi trái phép bị phát hiện. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Theo báo cáo của Sở TN-MT TP Đà Nẵng, đến tháng 3-2015, toàn thành phố có 43 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hiệu lực. Cụ thể, Q. Cẩm Lệ có 1 giấy phép (GP) khai thác đá xây dựng, 2 GP khai thác đất đồi; Q. Liên Chiểu có 8 GP khai thác đá xây dựng; H. Hòa Vang có 21 GP khai thác đá xây dựng, 5 GP khai thác đất đồi, 2 GP khai thác đất sét, 2 GP khai thác cát sông; Q. Ngũ Hành Sơn có 1 GP khai thác cát sông; Q. Hải Châu có 1 GP khai thác cát biển. Đến nay, Sở TN-MT đã trình UBND thành phố phê duyệt 10 đề án đóng cửa mỏ và ban hành 3 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản. Sở cũng đã kết hợp với các đơn vị kiểm tra, ngăn chặn và xử phạt các hoạt động khai thác đất đồi, cát sông, đất sét trên địa bàn.

Tuy nhiên, địa bàn quản lý rộng nên vẫn chưa giám sát thường xuyên, vẫn còn tình trạng lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Hiện nay, một số đơn vị khai thác khoáng sản vẫn chưa lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa lập thủ tục thuê đất đối với các mỏ đá nằm trên đất quốc phòng do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quản lý như: 4 mỏ của Cty TNHH Phú Mỹ Hòa, mỏ Cẩm Khê của Cty TNHH MTV xây dựng vận tải Hùng Vương, mỏ đá Hố Chuối của Cty TNHH MTV 532; 2 mỏ từ khi cấp phép không đưa vào khai thác, quá thời gian quy định là mỏ đá Phước Hưng (Hòa Nhơn), mỏ đá Hố Khế 1 (Hòa Ninh)…

Tại buổi kiểm tra thực tế hiện trường khai thác khoáng sản trên địa bàn TP ngày 14-4, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị tăng cường trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt đối với việc để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đặc biệt, Sở TN-MT phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành xác định cụ thể khu vực, vị trí, cao độ hoàn thổ mặt bằng và các phương án cải tạo phù hợp, phục hồi môi trường tại các mỏ đá Phước Lý, Hòa Phát, Phước Tường để đảm bảo cảnh quan môi trường và an toàn tại khu vực. Đồng thời, đề xuất phương án ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường của các mỏ đá. Trong trường hợp các đơn vị không chịu ký quỹ và cam kết, có thể cưỡng chế thi hành theo quy định và có biện pháp không cho vận chuyển đá thành phẩm đi tiêu thụ…

Sau khi khai thác đá, đất đồi, nhiều doanh nghiệp đã kịp "bỏ chạy" để lại cảnh nham nhở cho người dân và chính quyền địa phương tự xử lý.(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Sau khi khai thác đá, đất đồi, nhiều doanh nghiệp đã kịp “bỏ chạy” để lại cảnh nham nhở cho người dân và chính quyền địa phương tự xử lý.(Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Ngoài khai thác đá thì sự buông lỏng quản lý trong khai thác đất đồi thời gian qua cũng làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của thành phố. Thượng tá Đặng Hữu Quế – Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Đà Nẵng cho hay, do nhu cầu khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp mặt bằng, cải tạo vườn đồi, trồng cây, nuôi trồng thủy sản, tận thu để làm gạch của các tổ chức, cá nhân ngày càng nhiều. Chính quyền địa phương cũng đã phê duyệt và kiến nghị UBND TP Đà Nẵng các hộ dân cải tạo, hạ thấp cao trình nhưng đã bỏ qua các thủ tục pháp lý theo quy định. Không kiểm tra, giám sát để cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý Nhà nước để khai thác đất, cát trái phép. Làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương, gây ô nhiễm môi trường, làm thất thoát nguồn tài nguyên của Nhà nước.

Điển hình nhất là trường hợp UBND H. Hòa Vang cho phép cải tạo vườn đồi để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng khai thác đất Cao lanh trái phép tại thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Qua đó, CATP Đà Nẵng đã đề  xuất UBND TP ra quyết định xử phạt 3 tổ chức và cá nhân tổng số tiền 2,7 tỷ đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Tính đến đầu tháng 5-2015, riêng Phòng Cảnh sát môi trường CATP đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 13 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (5 trường hợp khai thác cát trắng, 8 trường hợp khác) với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng và ban, ngành có liên quan trong việc TTKS, xử lý việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép và vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường…” – Thượng tá Võ Quốc Dũng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Đà Nẵng cho biết thêm.