Tàn sát rừng nghiến ở Hà Giang (Kỳ 2)

Kỳ 2: Lâm tặc… làm chủ rừng

ThienNhien.Net – Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2011 đến đầu 2012, hàng nghìn cây nghiến cổ thụ tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang và các cánh rừng đặc dụng lân cận đã bị đốn hạ không thương tiếc. Do lợi nhuận từ khai thác gỗ nghiến lên tới vài triệu đồng/người/ngày nên các đối tượng “lâm tặc” bất chấp mọi thủ đoạn để tàn sát rừng.

Lâm tặc chính là người dân?

Rừng đặc dụng Phong Quang được thành lập theo Quyết định số 194/CT ngày 9/8/1986 của Thủ tướng Chính phủ và 12 năm sau, tức năm 1998, rừng tiếp tục được nâng lên thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang tại Quyết định số 59/QĐ-UB ngày 17/1/1998 của UBND tỉnh Hà Giang với tổng diện tích ban đầu 18.840 ha. Tuy nhiên, sau kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng vào năm 2008 của tỉnh, diện tích rừng bị cắt giảm xuống còn 8.335,6 ha.

Bao trọn khu rừng là các dải rừng núi đá vôi liên tiếp trải dọc từ biên giới Việt – Trung về đến thành phố Hà Giang với tổng chiều dài 20 km. Nơi đây được đánh giá là còn lưu giữ nhiều nguồn tài nguyên thực vật quý hiếm, đặc biệt là các loài cây như đinh, trai, nghiến, kim giao, lát… nhưng hiện một số đã bị khai thác cạn kiệt, chỉ còn nghiến là có trữ lượng tương đối lớn (phần nhiều những cây cổ thụ trong rừng đặc dụng Phong Quang hiện nay là nghiến).

Gỗ nghiến nhiều năm tuổi tại rừng Phong Quang luôn là mục tiêu hướng đến của các đối tượng "lâm tặc"

Rậm rịch từ nhiều năm về trước nhưng nạn phá rừng tại Phong Quang chỉ thực sự nổi lên trong thời gian gần đây khi xuất hiện các đối tượng “cò” người nước ngoài thuộc thị trấn Malipho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sang lôi kéo, thuê người dân tại các xã vùng đệm Khu bảo tồn chặt gỗ nghiến rồi bán cho chúng với giá cao chót vót. Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, nhóm đối tượng này còn sẵn sàng cung cấp cả cưa máy để việc phá rừng được diễn ra thuận tiện và nhanh chóng.

Trước sức cám dỗ của đồng tiền, hàng trăm người dân tại các xã giáp ranh Khu bảo tồn bỗng dưng trở thành lâm tặc đi khai thác, vận chuyển nghiến thuê cho các đối tượng đầu nậu bên kia biên giới. Thông thường, gỗ nghiến được một nhóm đối tượng dùng cưa máy xẻ thành các khối tròn bán ngay tại rừng với giá 200.000 đồng, sau đó các mảnh thớt nghiến tiếp tục được một nhóm đối tượng khác (trong đó có cả phụ nữ và trẻ em) vận chuyển qua biên giới bán cho những đầu nậu chờ sẵn với giá 3000 nhân dân tệ, tương đương gần 1 triệu đồng tiền Việt Nam.

Trong số các xã nằm giáp ranh Khu bảo tồn Phong Quang, Minh Tân hiện đang là địa phương xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất. Một cán bộ chủ chốt của xã cho biết, toàn xã có 1.169 hộ thì có đến cả nghìn chiếc cưa xăng. Những điểm phá rừng nóng nhất thuộc các thôn Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lỳ Pả, Thượng Lâm, Tả Lèng, Tân Sơn. Tại đây, hàng trăm cây nghiến cổ thụ có đường kính từ 0,8 – 1,5 m đã bị cưa đổ, trong đó không ít cây bị tận dụng toàn bộ phần thân để xẻ thành thớt vận chuyển qua biên giới theo đường tiểu ngạch.

Hiện vẫn còn 3 thôn với 217 hộ nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn và 333 hộ sinh sống trong vùng giáp ranh, phần lớn là bà con người Mông, đời sống còn khó khăn, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp và dựa vào rừng. Vì thế, khi có điều kiện “đổi đời”, bà con không ngần ngại hạ sát hàng nghìn gốc nghiến.

Qua thực địa tại xã Minh Tân, chúng tôi còn phát hiện một thủ đoạn tinh vi của “lâm tặc” là chúng không cưa đổ nghiến ngay mà dùng cưa máy cắt “ngọt” một miếng/lát giữa thân cây để lấy gỗ đem bán và hòng qua mắt lực lượng chức năng.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Tân Nguyễn Xuân Thảo, mỗi thớt nghiến có đường kính khoảng 40 cm, dày 30 cm khi vận chuyển trót lọt qua biên giới sẽ thu lời gần 1 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày một người dân có thể vận chuyển được 1 – 3 chuyến, tùy vào sức khỏe và tuổi tác. Như vậy, người nào yếu nhất dễ cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày, khỏe thì dăm ba triệu. Chính vì lẽ đó mà nghiến trong rừng đặc dụng Phong Quang ngày càng bị tỉa thưa và đứng trước nguy cơ cạn kiệt trong nay mai.

Cũng theo ông Thảo cho biết, bản thân một Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân vừa qua cũng đã bị kết án 9 tháng tù giam vì hành vi buôn bán, vận chuyển, khai thác gỗ nghiến trái phép. Điều này cho thấy sức hút mãnh liệt của gỗ nghiến lớn tới cỡ nào.

Cuộc chiến giữa cơ quan chức năng và lâm tặc vẫn chưa có hồi kết

Có mặt tại một gốc nghiến đường kính 1,8 m, cao 40 m vừa bị cắt dở cùng bộ đội biên phòng, kiểm lâm và một số người dân thuộc xã Minh Tân, chúng tôi băn khoăn sẽ phải mất bao lâu để cây có thể sinh trưởng và phát triển đến vậy? Dù không chắc chắn nhưng ai cũng ngầm hiểu có lẽ phải mất tới nghìn năm. Nhưng khi hỏi về khoảng thời gian để có thể cưa đổ cây thì cả bộ đội biên phòng, kiểm lâm và người dân đều khẳng định chắc nịch chỉ mươi, mười lăm phút.

Đến thời điểm này, chưa ai biết chính xác đã có bao nhiêu cây nghiến bị cưa đổ (ngay cả biên phòng và kiểm lâm địa bàn) nhưng theo thông tin từ một số người dân thì Minh Tân hiện đang là địa phương “nóng” nhất trong số các điểm nóng phá rừng tại Phong Quang, trong đó tập trung chủ yếu ở khu làng người Mông thuộc thôn Tân Sơn, nơi có tới hàng trăm cây nghiến mới cũ đã bị cưa đổ.

Bản thân lực lượng biên phòng, kiểm lâm ở Hà Giang cũng không dám khẳng định là có thể ngăn chặn được tình trạng phá rừng tại đây hay không bởi theo lời một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, khi lợi nhuận vượt quá 50% thì có treo cổ, người dân vẫn cứ phá.

Mặt khác, khu rừng lại nằm giáp ranh ngay biên giới nên việc vận chuyển nghiến cho những đầu nậu diễn ra khá thuận tiện, thậm chí nhanh hơn rất nhiều so với việc cơ quan chức năng đi từ trung tâm các xã đến địa điểm kiểm tra. Theo tính toán, thời gian tuần rừng tại các điểm nóng cũng mất cả ngày đường nên lâm tặc có thừa cơ hội để tẩu tán tang vật và chạy trốn.

Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phong Quang Nguyễn Việt Bách thừa nhận, hầu như lần nào tổ công tác đến được địa điểm phá rừng thì lâm tặc cũng đã kịp thời chạy trốn, tang vật cũng không thể mang về xuể vì quá nặng và đường quá xa. Vậy nhưng một khi lực lượng chức năng rút đi thì các đối tượng lại quay lại “gom” hàng như thường.

Qua trao đổi với một số cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn, Bộ đội biên phòng Thanh Thủy và người dân địa phương, chúng tôi được biết, hầu hết thớt nghiến sau khai thác đều được vận chuyển qua biên giới theo 3 tuyến chính: tuyến các đường tiểu ngạch (rừng Phong Quang có 5,6 km đường biên), tuyến dọc theo Quốc lộ 2 với tổng chiều dài 10 km từ xã Phương Tiến đến cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên), và theo Quốc lộ 4C hướng Hà Giang – Quản Bạ từ km 7 – km17.