Khát

ThienNhien.Net – Những cơn mưa rào và dông những ngày qua ở Thủ đô Hà Nội và Bắc Bộ đã xua đi đợt nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời có ngày lên tới hơn 40 độ C. Thông tin Thanh Hóa, Nghệ An, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã có mưa cũng làm mềm lòng người dân, những người có trách nhiệm lo cho dân. Tuy nhiên, nhiều tỉnh Trung Bộ, từ Quảng Trị đến Bình Định vẫn nắng nóng gay gắt, trời không mưa. Người dân vẫn đang trong cơn khát. Những cơn khát kéo dài, dai dẳng nhiều tháng nay, năm này qua năm khác, thiệt hại khó lường.

Nắng hạn kéo dài, ruộng đồng nhiều nơi khô cháy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Nắng hạn kéo dài, ruộng đồng nhiều nơi khô cháy. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua trên cả nước, mùa khô hạn đến sớm và kéo dài ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mấy tháng qua có thể coi là những đợt hạn hán nặng, gay gắt nhất trong 10 năm trở lại đây. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thực tế hàng ngàn ha đất bỏ hoang, lúa, hoa màu chết cháy, đàn vật nuôi chết dần vì thiếu nước đã cho thấy những thiệt hại nghiêm trọng. Người ta còn nhớ chỉ riêng đợt nắng hạn năm 1998 ở miền Trung đã gây thiệt hại đến 5.000 tỷ đồng. Nhiều năm, trong khi ở miền Bắc lũ sông Hồng đang báo động, ở miền Nam nước sông Tiền Giang, Hậu Giang dâng cao, người dân miền Trung vẫn chang chang nắng lửa…

Chuyện nắng hạn, nắng nóng từ lâu đã không là chuyện lạ, đã là một sự thường niên. Năm nào cũng vậy, vào mùa khô, sông suối, hồ đập cạn khô, cây trồng cháy héo, mùa màng thất bát…Vị trí địa lý, địa hình, thiên nhiên thời tiết khắc nghiệt, con người mỗi vùng đất đành phải chấp nhận chịu đựng, sống chung, hòa nhập. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi khí hậu, tự nhiên sẽ ngày càng hà khắc hơn, xã hội hiện đại, khoa học phát triển, đất nước đi lên, thì việc tạo điều kiện, hỗ trợ giúp cho người dân vượt qua khó khăn, là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của toàn xã hội. Không chỉ những biện pháp cứu đói, cứu khát nhất thời mà cần phải có biện pháp cứu đói, cứu khát dài hạn cho tương lai, mai sau. Cuộc sống của người cần có sự “bảo hành”, được thực sự “bảo đảm an sinh xã hội”, “sống trong môi trường an lành”…như Hiến pháp đã quy định.

Chuyện trong cơn khát cháy giữa vùng khô hạn, có người dân ca cẩm rằng, “các ông ngồi trong phòng có máy lạnh, nước suối, nước ngọt kè kè, làm sao biết được nỗi khổ của người dân”? Rằng, Bác Hồ xưa từng phải trực tiếp xuống đồng cùng dân tát nước cứu lúa. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, không phải bằng những ngôn từ sáo rỗng mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực giúp dân. Lời nhắc nhở, góp ý của người dân dù sao cũng là những lời nhắc nhở các công bộc của dân phải chăm lo cho dân hơn. Tuy nhiên, xã hội càng hiện đại, sự chênh lệch, khoảng cách lớn về điều kiện sống giữa thị thành, thôn quê, nhất là những vùng khô hạn là chuyện bình thường. Với các phương tiện hiện đại, khoa học, ở đâu người ta cũng có thể nắm bắt được thực trạng đang diễn ra. Chuyện cán bộ ngồi trong phòng máy lạnh chỉ đạo chống hạn cũng có thể hiểu được. Nhưng vấn đề là hãy lo cho dân bằng cái tầm, cái tâm thực sự của mình.

Thực tế thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương xuống địa phương đã rất tích cực trong công tác chống hạn. Nhiều địa phương đã được hỗ trợ về tiền, hạt giống, gạo ngô cứu đói. Một số nơi khó khăn như ở Ninh Thuận nhiều ngày xe bồn, xe cứu hỏa đã chở nước đến phân phối cho mỗi hộ dân. Việc cứu đói, cứu khát là chuyện tức thời, yêu cầu cấp thiết phải làm. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Không được để bất cứ người dân nào trong vùng hạn phải thiếu nước uống, thiếu lương thực. Yêu cầu của Chính phủ cũng là mong muốn của mọi người dân. Chuyện những ngày nóng nực ở Thủ đô, người dân đã đặt nhiều bình nước uống miễn phí ở nhiều địa điểm trên đường phố. Không thể để mỗi thành viên của cộng đồng phải đói, phải khát. Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là tình thương, tình đồng bào, trách nhiệm của cả cộng đồng.

Với sự nỗ lực của Nhà nước, của cả cộng đồng, nhất là của mỗi người dân vùng hạn hán, khó khăn mùa hạn hán đã và đang đi qua. Nhưng còn đó, nhiều vấn đề đang đặt ra về những biện pháp lâu dài cho tương lai. Về vĩ mô, Nhà nước cần có những khảo sát, quy hoạch, kế hoạch cho việc đảm bảo ổn định nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự xã hội hóa, hỗ trợ cho người dân đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của mỗi gia đình. Chuyện người dân tự phát nhà nhà khoan giếng, đào giếng, sử dụng lãng phí nguồn nước ngầm như ở Tây Nguyên vừa qua cũng chỉ là giải pháp nhất thời đã gây ra nhiều lãng phí, để lại nhiều hệ lụy. Thử hỏi, vài năm sau, khi nguồn nước ngầm này bị cạn kiệt, chuyện hạn hán vẫn diễn ra hàng năm, diễn ra càng gay gắt hơn thì lấy nước đâu sử dụng? Nhưng trong cơn bĩ cực, người dân phải tự cứu mình!

Kinh nghiệm của người dân nhiều địa phương xưa nay rất coi trọng việc dự trữ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Nhiều nơi, trước khi xây nhà, người ta phải xây bể chứa nước, hứng nước mưa. Không để giọt nước mưa nào từ trời bị bỏ phí. Kinh nghiệm tận dụng, dự trữ nước mưa nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. Kinh nghiệm bảo tồn, dự trữ, khai thác các mạch nước ngầm đều đã có.Với những vùng hạn hán, sau những ngày nắng lửa lại là những ngày mưa dông, lũ lụt. Dựa vào tự nhiên, thuận theo tự nhiên, trước hết là Nhà nước và sau đó là nhân dân cùng làm, không thể để tình trạng hạn hán làm thiệt hại, làm khổ dân, với những cơn khát năm này qua năm khác.