Cù Lao Chàm – Nan giải chuyện… rác!

ThienNhien.Net – Đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam), được biết đến với hệ sinh học đa dạng cần được bảo tồn và đang thu hút du khách bằng hình thức du lịch sinh thái. Hơn thế, thời gian gần đây chính quyền địa phương đang hoàn tất những khâu cuối cùng để Cù Lao Chàm chính thức được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhưng hàng ngày hòn đảo xinh đẹp này vẫn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, trong khi đó các biện pháp xử lý rác đều tỏ ra kém hiệu quả.

Nhiều nguồn rác…

Rác sinh hoạt của người dân, rác sau những mùa lễ hội, rác thải từ các phương tiện khai thác thủy sản thập phương neo đậu…  và rác từ biển theo gió tấp vào. Đó là những nguồn rác chủ yếu mà Cù Lao Chàm mỗi ngày đang phải gồng mình gánh chịu.

Tại hai thôn bãi Làng, bãi Hương là hai khu vực chính tập trung dân cư và có nhiều phương tiện neo đậu. Mỗi sáng, rác tấp dày ken trên bãi biển và dập dìu theo con sóng. Ngay như khu vực bãi Ông với bãi cát đẹp, ít người lui tới nhưng cũng bị rác “tấn công” ráo riết mỗi ngày.

Ngoài các loại rác “hữu cơ” có thể phân hủy được, tình trạng rác nilông lềnh bềnh trên những vịnh ở xã đảo đã làm “mất điểm” Cù Lao Chàm trong cái nhìn của du khách.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, thời gian gần đây Cù Lao Chàm hứng chịu khối lượng rác thải ngày càng lớn. Bởi các hoạt động kinh tế, văn hóa sôi động kèm theo đó thì khả năng xả rác càng cao.

Ở đây sau những ngày biển động hoặc có tổ chức lễ hội, rác tấp vào nhiều kinh khủng. Nỗ lực của địa phương là ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi trên đảo chỉ phát huy hiệu quả với nguồn rác thải ra từ sinh hoạt, còn rác từ những vùng biển khác tấp vào Cù Lao Chàm thì khó mà ngăn nổi. Bởi vậy, chỉ cần “lơ là” quét dọn, rác lại đầy ăm ắp trên các bãi biển của xã đảo.

Nhằm khắc phục tình trạng người dân đổ rác thải sinh hoạt xuống biển, địa phương và các tổ chức xã hội thường xuyên mở những đợt tuyên truyền, vận động kết hợp với các biện pháp thu gom rác nhưng một số hộ vẫn lén lút đổ rác, đặc biệt có nhiều hộ còn làm ống cống xả trực tiếp nước thải sinh hoạt ra biển.
 
Tại thôn bãi Làng, nơi được xem là “đầu mối” của các hoạt động du lịch, rác và nước thải “ngang nhiên” được xả ra từ nhiều hộ dân và các phương tiện neo đậu trong vịnh.

Ông Quí, một ngư dân thôn bãi Làng cho biết, sở dĩ vẫn còn lặp lại tình trạng như vậy là do người dân không biết chứa rác ở đâu trong những ngày không có xe gom rác. Còn trên các phương tiện khai thác thủy sản thì ít có ai chịu gom rác về bờ nên… vứt xuống biển là phổ biến.

… bí “đầu ra”

Hiện tại, đảo Cù Lao Chàm mỗi tuần có hai chuyến xe công nông gom rác, nhưng biện pháp này chỉ giải quyết được một phần bởi thực tế lượng rác thải ra trên đảo mỗi ngày lớn hơn rất nhiều. Các xe công nông sau khi gom rác đều chở về đổ ở chân núi sau khu dân cư mà không áp dụng một biện pháp xử lý phân hủy nào. Đây mới là vấn đề nan giải cho việc bảo vệ môi trường của địa phương.

Tình trạng “bí đầu ra” đã gây khó khăn và lặp lại vòng luẩn quẩn của việc gom, đổ rác bởi hiện xã đảo Tân Hiệp không có khu đất nào hợp lý cho việc thu gom và xử lý rác thải. Cũng theo lời ông Trọng: “Nếu áp dụng biện pháp đốt số lượng rác sau khi đã gom về thì dễ gây cháy rừng, còn “xài” hóa chất thì sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của xã đảo “hứng” từ trên núi. Bởi thế không biết đổ rác ở đâu”.

Ngoài ra, việc tăng tần suất thu gom rác sẽ tốn nhiều kinh phí, mà đảo Tân Hiệp thì không kham nổi ngoài số tiền chi ra mỗi tháng 1 triệu đồng cho hai chiếc công nông và tiền công bốc rác như hiện nay.


Trước những bức xúc về rác thải ở đảo Cù Lao Chàm, đã có nhiều phương án xây dựng hệ thống xử lý rác thải từ các tổ chức bảo vệ môi trường đưa ra nhưng khó khăn lớn nhất để thực hiện các phương án này là… kinh phí.

Vì thế, hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào được triển khai để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ở cù lao Chàm. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể tích lũy “ngân khố” cho việc xây dựng các công trình xử lý rác ở cù lao Chàm bằng việc thu lệ phí từ những hoạt động có “xả rác” diễn ra trên đảo.

Thế nhưng, lâu nay ngoài chuyện “bất khả kháng” với các mớn rác từ biển khơi tấp vào đảo thì lượng rác thải từ sau những mùa lễ hội, từ các hoạt động du lịch và rác thải sinh hoạt của người dân  vẫn chưa có khoản phí cụ thể nào được chi cho việc thu gom rác.

Hơn nữa, việc nâng cao nhận thức cho người dân không xả rác bừa bãi, hoặc phát động các đợt thu gom rác trên các bãi biển… vẫn chưa đạt được hiệu quả thiết thực do vấn đề căn cơ nhất là việc tiêu thu nguồn rác chưa được giải quyết triệt để. Điều này dễ trái ngược với những chiến lược “phát triển bền vững”, “thân thiện với môi trường” của các tổ chức kinh tế – xã hội hoạt động ở đảo Cù Lao Chàm.