Hải Phòng thu phí bảo vệ môi trường: Sẽ kiểm soát chặt!

ThienNhien.Net – Theo Nghị định 25/2013/NĐ – CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT), thì các cá nhân, tổ chức xả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt ra môi trường là đối tượng phải nộp phí BVMT. Nhưng đến nay, kết quả thu từ thực tế rất thấp.

Nước thải công nghiệp của nhiều DN vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)
Nước thải công nghiệp của nhiều DN vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 14 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, phần lớn số doanh nghiệp (DN) này bắt buộc phải nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.

DN tự kê khai

Nhưng, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 500 – 600 DN kê khai nộp phí (năm 2014 là 600 DN). Có DN dù được thông báo nộp phí, nhưng không tuân thủ việc nộp phí hoặc chậm nộp phí. Năm 2014, chỉ có 86% số DN có thông báo nộp phí của cơ quan chức năng tuân thủ việc nộp phí. Năm 2009, thành phố thu 568 triệu đồng, năm 2010 con số này là 1,18 tỷ đồng, năm 2011 thu được 1,5 tỷ đồng, số DN nộp phí tăng 150% so với năm 2010. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu và số DN đang hoạt động của thành phố.

Cần khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, bảo đảm tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường, góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

Được biết, mức tính phí BVMT căn cứ vào tổng lượng nước thải với nồng độ chất ô nhiễm. Trong đó, tổng lượng nước thải do DN tự kê khai dựa vào đồng hồ nước hoặc lượng nước đầu vào. Nồng độ chất ô nhiễm có mức thu đối với từng loại chất: BOD, COD là 300 đồng/kg; rắn lơ lửng là 400 đồng/kg; thủy ngân là 20 triệu đồng/kg; chì là 500 nghìn đồng/kg, Arsenic là 1 triệu đồng/kg; cadsium là 1 triệu đồng/kg,… Việc tính phí vẫn do DN tự kê khai sau đó nộp tờ khai về Chi cục Bảo vệ môi trường để thẩm định. Việc thẩm định khối lượng nước thải cũng rất khó khăn, nhất là đối với DN sử dụng nước khoan, nước sông, hồ. Theo quy định thì mức sai số được chấp nhận dao động trong khoảng 30%. Điều này tạo điều kiện cho phần lớn DN kê khai thấp để giảm mức phí phải đóng. Được biết, với những DN có hệ thống xử lý nước thải thì mức phí phải đóng thấp, DN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì mức phí cao hơn nhiều. Nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn là DNNVV và chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, lượng nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn về các chất hữu cơ, kim loại nặng và vi khuẩn thường đổ trực tiếp ra nguồn nước ước tính 18.000-20.000 m3/ngày, đêm, chiếm 40% tổng lượng nước thải thành phố. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn để kiểm soát việc xả thải; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các DN.

Việc thu phí BVMT nhằm ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm, đóng góp kinh phí phục vụ cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, bảo đảm tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường, góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

Năm 2015 sẽ cấp phép các cơ sở xả thải đủ điều kiện

Trước thực trạng trên, UBND TP Hải Phòng vừa có Kế hoạch 2617/KH- UBND về việc cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, đến năm 2020, các cơ sở trên địa bàn được kiểm tra và cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước đạt trên 80%. Đối tượng phải xin cấp phép xả thải vào nguồn nước: Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5m3/ngày/đêm và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ; xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nêu trên vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó; xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 10.000m3/ngày/đêm hoặc nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa. Sở TN – MT sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải và nguồn nước thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép xả thải. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát trên, dự tính năm 2015 sẽ cấp phép cho 120 cơ sở.

Từ 2016- 2020: Sở TN- MT chủ trì cùng sở NN và PT NT xây dựng lộ trình kiểm tra và cấp phép cho các cơ sở hàng năm, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% cơ sở thuộc đối tượng phải xin cấp phép được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. UBND các quận huyện, ban quản lý các Khu Kinh tế Hải Phòng phải phối hợp với sở TN – MT tổ chức hướng dẫn các đơn vị, DN thực hiện luật tài nguyên nước, lập hồ sơ cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.