Bỏ nhà vào rừng (Bài 1)

Bài 1:  Hoang phế công trình bạc tỷ

ThienNhien.Net – An cư cho những di dân tự do đến từ miền núi các tỉnh phía Bắc đang là vấn đề được các ban, ngành ở Đắc Lắc quan tâm. Tuy nhiên sau thời gian dài đổ tiền tỷ dựng nhà cửa, công trình phụ, nước sạch…, một thực tế đáng buồn đã xảy ra ở thôn tái định cư Giang Đông, xã Ea Dăh, H. Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc là bà con kéo nhau trở lại nơi cũ, trong khi nhà cửa, đất canh tác vừa mới khai khẩn đã phải bỏ hoang phế.

Những ngôi nhà bị bỏ hoang từ dự án tái định cư thôn Giang Đông. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Những ngôi nhà bị bỏ hoang từ dự án tái định cư thôn Giang Đông. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Từ năm 1995 đến 2004, từ huyện Văn Chấn và Tạm Trấu, tỉnh Yên Bái, 87 hộ người Mông vào vùng đất Krông Năng (Đắc Lắc) theo diện di dân tự do. Bước đầu họ chọn  vùng giáp ranh rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, thuộc tiểu khu 342 (Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng) để dừng chân. Một ngôi làng tự phát có tên Giang Đông mọc lên giữa muôn trùng núi rừng. Và cũng từ đó,  hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị người dân tàn phá để lấy đất canh tác nông nghiệp. Năm 2005, các cấp chính quyền của tỉnh Đắc Lắc thực hiện công tác định canh định cư, tuyên truyền và vận động bà con người Mông vào thôn định cư Giang Đông mới, chỉ cách trung tâm UBND xã Ea Dăh chừng 100m (nơi bà con sinh sống cách trung tâm đến hơn 10 km đường đất lầy lội).

Với mục tiêu ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân di cư, tại vùng dự án định cư thôn Giang Đông,  mỗi hộ dân được hỗ trợ tiền xây nhà từ 18 đến 20 triệu đồng/căn với diện tích 24 m2, được khai hoang và cấp 1.000m2 đất ở và 500m2 đất rẫy. Ngoài ra, để đảm bảo cho cuộc sống của bà con, hệ thống đường điện, bể nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng theo Chính sách 134 của Chính phủ đã được thực hiện. Tính riêng khoản xây dựng nhà ở và khai hoang đất đã ngốn đến 1,2 tỷ đồng. Sau quá trình vận động của các cấp chính quyền, các hộ dân thuộc diện di cư tự do ở tiểu khu 342 tự nguyện di dời đến nơi ở mới đã xây dựng sẵn.

Đầu tư tiền tỷ vào công trình để rồi thành hoang phế, điêu tàn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Đầu tư tiền tỷ vào công trình để rồi thành hoang phế, điêu tàn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Điều đáng nói là sau một thời gian ngắn, bà con lại rủ nhau quay về thôn cũ, nơi giáp ranh rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Đến thời điểm này chỉ còn lại 3 hộ dân ở lại với khu tái định cư gần trung tâm xã. Anh Hồ Nhà Di (1964, quê Tạm Trấu, Yên Bái) là một trong những hộ dân ở lại cho biết: “Dân làng quay về nơi cũ hết rồi, còn lại đây chừng 3 hộ. Gia đình tôi nghèo quá, đông con nên không có tiền chuyển nhà cửa. Vì một nhẽ nếu quay về nơi cũ thì phải dựng lại nhà mới, một khoản tiền rất lớn không dễ gì có được nên phải ở lại thôi, thực tình tôi cũng muốn về thôn cũ”. Gia đình anh Di và vợ là Sùng Thị Mỹ (1976) có đến 8 đứa con, lớn nhất là Hồ Thị Xua sinh năm 1996 còn đứa nhỏ mới sinh năm 2014. Chị Mỹ bảo, nó học đến lớp 4 thì “ra trường”.

Đại gia đình 10 miệng ăn chỉ trông chờ 4 sào sắn trồng trên đất đá sỏi khô cằn, bán chả được bao nhiêu tiền. Anh Di than vãn về căn nhà của mình đã xuống cấp nghiêm trọng. Thời điểm này Tây Nguyên đã có mưa, nhà cửa dột nát, tuềnh toàng, cả gia đình phải sang ở nhờ lán trại của những công nhân đã xây dựng nhà cửa cho thôn tái định cư trước đó. Những người dân ở lại cho biết, ban đầu khi di dời thì ai cũng vui vẻ, phấn khởi vì thoát được cảnh rừng rú, điện có, nước có, trường học có, nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng cái ăn thì… không có. Vì một nhẽ đất sản xuất quá ít và khô cằn sỏi đá nên chả trồng trọt được gì. Mỗi năm bà con chỉ trồng được một vụ mì (sắn), cuộc sống bấp bênh nên bỏ về nơi cũ hết, để lại cảnh hoang tàn nhà cửa và hoang hóa đất sản xuất.

Những triền đất vỡ hoang tái định cư ngày nào đã trở lại nguyên trạng rừng rú ban đầu. Những gì dự án tái định cư đã xây dựng nay cũng bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng như bể nước sinh hoạt xây ra không ai dùng, điện lưới nhùng nhằng… Chủ tịch UBND xã Ea Da Cao Kỳ Tuyết cho biết: Tình trạng người dân bỏ khu tái định cư trở lại làng cũ đang là mối lo ngại lớn nhất của chính quyền địa phương. Thực tế việc bỏ khu tái định cư không chỉ gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội như nghèo đói, bệnh tật, thất học, tảo hôn… mà còn làm nóng thêm tình trạng phá rừng lấy đất canh tác, lấn chiếm rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.

Anh Di lo lắng cho gia đình mình, khi căn nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Anh Di lo lắng cho gia đình mình, khi căn nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Trước thực tế này, các cấp chính quyền tỉnh Đắc Lắc đã kiến nghị và được Ủy ban Dân tộc của Chính phủ chấp thuận cho lập Dự án 342, nhằm mục đích ổn định cuộc sống tại tiểu khu 342 cho bà con người Mông di cư theo lối tự do vào đây. Tổng kinh phí dự tính khoảng 110 tỷ đồng với các dự án chủ yếu: chuyển đổi các phần diện tích đất rừng bà con đã khai phá trước đó sang đất nông nghiệp để bà con được định canh định cư ngay trên tiểu khu 342, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như công trình điện sinh hoạt, đường giao thông, các điểm trường… nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Thiết nghĩ, tái định cư cho những di dân không chỉ là vấn đề xây dựng nhà cửa, công trình để rồi hoang phế mà mấu chốt phải làm sao để người dân có cuộc sống khấm khá hơn trên vùng đất họ đã tới…

Còn nữa…