Chất thải độc hại ngành thép đi đâu? – Bài 1

Bài 1: Bụi lò tồn đọng không nơi xử lý

ThienNhien.Net – Các chất thải phụ phẩm của ngành thép như xỉ thép, bụi lò và đất phế liệu có chứa nhiều thành phần độc hại như chì, kẽm, thủy ngân, asen… Thế nhưng tại Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), địa phương có nhiều nhà máy sản xuất phôi thép cho ra hàng trăm ngàn tấn phụ phẩm thì chưa rõ số phụ phẩm có hại cho sức khỏe, môi trường này đi đâu. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất đang ùn ứ hàng chục ngàn tấn phụ phẩm chưa xử lý…

Sau những cơn mưa lớn vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2013, người dân gần các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh BR-VT càng lo về tình trạng các chất độc hại từ bụi thép (bụi phát sinh từ lò luyện phôi thép, còn được gọi là bụi lò) phát tán ra môi trường ngày càng nhiều.

Bụi thép bỏ vãi ngoài trời

“Nghe nói bụi thép rất độc hại, vậy mà họ lại cứ để hàng đống ngoài trời cho gió cuốn hoặc theo nước mưa xuống các mương thoát nước. Đất đai, con người nhiễm độc như chơi” – nhiều người dân sống gần các nhà máy thép ở Khu công nghiệp Phú Mỹ I (huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT) lo lắng nói. Người dân cho biết từ năm 2012 đến nay, họ đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng tỉnh BR-VT về tình trạng khói bụi từ các nhà máy thép phát tán gây ô nhiễm nhưng tình hình vẫn chưa thấy cải thiện.

Bụi lò để tràn lan ngoài trời ở các nhà máy thép. (Ảnh: TT - KB/Pháp luật TP.HCM)
Bụi lò để tràn lan ngoài trời ở các nhà máy thép (Ảnh: TT – KB/Pháp luật TP.HCM)

Trong vai người mua phế liệu, chúng tôi vào bên trong các nhà máy thép Phú Mỹ, Pomina 2, Pomina 3 (Khu công nghiệp Phú Mỹ I). Tại Nhà máy Pomina 3, bụi lò chất hàng đống, để ngổn ngang ngoài trời. Theo công suất thiết kế, lượng bụi lò phát sinh tại nhà máy này có thể lên đến 20.000 tấn/năm. Ở các nhà máy khác, bụi lò không chỉ chứa đầy trong nhà kho mà còn để tràn lan khắp các nơi trong khuôn viên nhà máy.

Tại Nhà máy thép Đồng Tiến (Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1), bụi lò cũng để hàng đống ngoài trời, không có mái che. Do để lâu ngày ngoài trời, nhiều bao đựng bụi lò ở các nhà máy thép nói trên đã bị mục, rách cho gió, mưa phát tán ra môi trường.

Hiện BR-VT có năm nhà máy đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy thép Pomina 2, Pomina 3, Nhà máy thép Phú Mỹ, Đồng Tiến và Nhà máy thép FUCO. Các nhà máy này đều luyện phôi thép bằng công nghệ lò điện hồ quang. Tổng công suất luyện thép theo thiết kế của năm nhà máy hơn 3,2 triệu tấn/năm. Tổng lượng bụi lò phát sinh khoảng 65.000 tấn/năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây các nhà máy thép có ký hợp đồng chuyển giao bụi lò cho Công ty TNHH Khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là Công ty Khoáng sản Việt Nam) xử lý. Tuy nhiên, từ tháng 06/2012, Công ty Khoáng sản Việt Nam đã ngưng thu gom nên toàn bộ lượng bụi lò phát sinh tại các nhà máy thép phải lưu chứa tạm trong kho, kho hết chỗ thì để ngoài trời.

Ô nhiễm môi trường: Khó tránh

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết theo quy định tại Thông tư số 12/2011 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), bụi phát sinh từ hệ thống lọc bụi của lò luyện phôi thép nằm trong danh mục CTNH. Do đó, khi chưa chứng minh được bụi lò không phải là CTNH thì phải quản lý nó như CTNH.

Tiếp đến, trong kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2013 do UBND tỉnh BR-VT ban hành (22/05-/013), Sở TN&MT yêu cầu các nhà máy thép phải quản lý bụi lò thép theo quy định đối với CTNH. “Nếu đã xác định bụi lò là CTNH thì các nhà máy thép phải ký hợp đồng chuyển giao chất thải này cho các đơn vị có chức năng xử lý. Khi chưa có nơi xử lý, phải lưu giữ tạm tại nhà máy thì phải có nhà kho, đảm bảo các điều kiện theo quy định về lưu chứa CTNH. Việc để bụi lò tràn lan ngoài trời làm phán tán ô nhiễm ra môi trường là sai, cần phải xử lý” – một cán bộ thanh tra của Tổng cục Môi trường phân tích.

Theo Sở TN&MT tỉnh BR-VT, đến đầu tháng 06/2013, lượng bụi lò đang lưu giữ tại năm nhà máy thép đã gần 13.000 tấn và chưa có giải pháp xử lý theo quy định.

“Hiện lượng chất thải phát sinh từ các nhà máy thép đang gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý môi trường của địa phương… Các kho lưu giữ bụi lò đã quá tải, một lượng lớn bụi lò phải để ngoài trời, không đảm bảo quy định, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp kịp thời” – Sở TN&MT tỉnh BR-VT nhìn nhận trong báo cáo gửi Tổng cục Môi trường trong tháng 06/2013.

Độc hại từ bụi lò

Theo nhiều tài liệu khoa học, công nghệ luyện thép lò điện hồ quang sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu sắt, thép. Nguồn phế liệu này được thu gom từ nhiều nguồn thải khác nhau như xác xe ô tô cũ, thiết bị công nghiệp, điện tử… Đây là những phế liệu có chứa nhiều tạp chất như kẽm, chì, thậm chí cả thủy ngân, asen. Do đó, trong thành phần bụi thép cũng có chứa nhiều kim loại nặng độc hại.