Bảo vệ rừng gắn với nuôi trồng thủy sản ở huyện Cần Giờ

ThienNhien.Net – Theo UBND huyện Cần Giờ, đến nay, huyện đã hoàn thành dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới và được UBND thành phố Hồ Chí Minh công nhận thêm 885 ha diện tích rừng. Như vậy, tổng diện tích rừng tự nhiên của huyện đã lên hơn 35 nghìn ha. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bà con địa phương mở rộng diện tích nuôi trồng hải sản.

Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: bbc.co.uk)
Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: bbc.co.uk)

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý các hoạt động dưới tán rừng luôn được huyện Cần Giờ chú trọng thực hiện. Huyện còn phối hợp Chi cục Lâm nghiệp TP Hồ Chí Minh trồng mới gần 40 nghìn cây phân tán (bình quân 13 nghìn cây/năm) tạo cảnh quan, tăng diện tích cây xanh trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn cho biết, để bảo đảm đời sống, thu nhập của các hộ dân tham gia giữ rừng và phù hợp với quá trình tăng lương tối thiểu của thành phố (từ 650.000 đồng lên 1.050.000 đồng), huyện đã điều chỉnh mức tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ từ 725.000 đồng/ha/năm lên mức bình quân 1.156.000 đồng/ha/năm. Đây là một trong những yếu tố giúp cho người giữ rừng gắn bó mật thiết hơn với công việc, góp phần ngăn chặn nạn phá rừng. Thực tế, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày càng giảm, từ 79 vụ (năm 2010) xuống 68 vụ (năm 2011), 62 vụ (năm 2012), 45 vụ (năm 2013) và 12 vụ (năm 2014); trong đó nạn chặt phá, khai thác rừng trái phép giảm 40% số vụ.

Theo số liệu thống kê, Cần Giờ hiện có 4.932 ha nuôi tôm, 1.966 ha sản xuất muối và 1.581 ha nuôi trồng thủy đặc sản. Ngành thủy sản vẫn được xác định là ngành kinh tế chủ lực của huyện với mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 10,1%/năm (chiếm tỷ trọng 95,5% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp).

Xu hướng tăng diện tích thả nuôi, chuyển đổi mô hình nuôi, nhất là nuôi tôm thâm canh tăng 2.137 ha so với năm 2010 là 1.692 ha, quả là con số ấn tượng. Theo lão nông Lê Văn Đặt (thị trấn Cần Thạnh), nông dân Cần Giờ hiện có xu hướng giảm lúa-tăng tôm. Cá nhân ông Lê Văn Đặt cũng chuyển hết ruộng nhà sang nuôi thủy sản. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng hơn trong việc đầu tư, thả nuôi theo lịch thời vụ và thả nuôi với mật độ thưa để hạn chế rủi ro. Nhiều hộ nông dân ở xã Thạnh An còn chuyên nuôi hàu, cá dứa, cá chẽm, ốc hương, cua… cho thu nhập rất cao.

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Hoàng Huy cho biết, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt bình quân 46 nghìn tấn/năm; tăng 10,6%/năm (tương ứng 1.287 tỷ đồng/năm) và đi đầu trong việc nâng cao sản lượng thủy sản là đội ngũ 36 phương tiện khai thác xa bờ, 1.323 phương tiện khai thác ven bờ và 1.167 hộ đánh bắt nhỏ hoạt động ổn định. Chỉ riêng các phương tiện này đã đem về sản lượng khai thác bình quân 24 nghìn tấn/năm. Bên cạnh đó, Cần Giờ còn có hơn 2.800 ha mặt nước nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn với sản lượng thu hoạch hằng năm đạt gần 13.000 tấn (giá trị tương đương 753 tỷ đồng).

Lão nông Lê Hai ở xã Lý Nhơn cho biết: “Giá trị thu nhập bình quân một ha nuôi tôm khoảng 570 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng, gia đình còn lợi nhuận 270 triệu đồng”. Tương tự, lão ngư Chín Kiểm ở Thị trấn Cần Thạnh đã tận dụng bãi bồi ven biển thả nuôi giống nghêu cỡ lớn (khoảng 200 đến 300 con/kg) nhằm rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế thiệt hại. Qua vụ nuôi năm rồi, ông đã xây nhà kiên cố và phát triển thêm mô hình nuôi sò huyết.

Để giúp ngư dân, nông dân, diêm dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, UBND huyện Cần Giờ còn phối hợp các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố triển khai 15 mô hình và nhiều điểm trình diễn cho bà con học tập kinh nghiệm. Các đối tượng nuôi trồng mới đã được đưa vào tập huấn như ốc len, ốc hương, cua hạt tiêu, cua hạt dưa, cá kèo, cá chẽm, cá bông lau, tôm càng xanh, tôm xen cua; mô hình GAP nuôi lồng bè gồm các đối tượng: hàu, cá bóp, cá mú, cá chim trắng vây vàng… đã giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư mới 21 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất ở các xã xây dựng nông thôn mới; triển khai thi công công trình phát triển lưới điện 52 khu vực trên địa bàn để phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của nhân dân.

Cần Giờ cũng chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với số lao động được đào tạo bình quân 2.500 người/năm; phê duyệt hỗ trợ lãi vay cho hơn 1.500 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất hơn 2.300 ha với tổng vốn đầu tư bình quân 700 tỷ đồng (nửa đầu năm 2014 đã hỗ trợ lãi vay cho 855 hộ dân vay vốn đầu tư 1. 074 ha nuôi trồng thủy sản). “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy hiệu quả việc sử dụng vốn vay vào nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương” – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn khẳng định…