Những tín hiệu tích cực của nông nghiệp ĐBSCL

ThienNhien.Net – Sau 2 năm tái cơ cấu nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những con số thống kê cho thấy nông nghiệp khu vực này đang có những thay đổi tích cực.

Những con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra trong báo cáo đánh giá 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cho thấy những tín hiệu tích cực, đi đúng theo tinh thần của đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Đến nay đã có 12/13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Một trong những điều dễ nhận thấy nhất là cơ cấu sản xuất lúa hiện đang theo hướng mở rộng sản xuất các giống lúa thơm, lúa đặc sản có chất lượng cao và hiện số lượng lúa thơm được gieo trồng đang tăng nhanh. Theo Cục Trồng trọt, nếu nhìn cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, nhóm gạo thơm hiện chiếm hơn 19%, nếp chiếm gần 8%, gạo trắng chất lượng cao chiếm hơn 20%, gạo trắng trung bình chiếm gần 34%.

Ảnh minh họa: laodong.com.vn
Ảnh minh họa: laodong.com.vn

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 và tình hình và chủng loại gạo phục vụ xuất khẩu các tháng đầu năm 2015 cơ bản đáp ứng được theo yêu cầu xuất khẩu. Điều đó cho thấy, đề án tái cơ cấu đã đi đúng hướng vì đã tập trung vào sản xuất những sản phẩm mà thị trường đang cần, thay vì sản xuất cái mình có như lâu nay.

Về chăn nuôi, những kết quả bước đầu cũng cho thấy, chăn nuôi ở 13 tỉnh ĐBSCL đang thu được những kết quả rất khả quan. Hiện tổng đàn gia cầm của toàn vùng đạt 58,25 triệu con, chiếm gần 18% của cả nước, trong đó, đàn vịt chiếm 25,45 triệu con, chiếm 37,2% cả nước.

Tuy tổng đàn giảm 0,8% so với cùng kỳ nhưng sản lượng thịt tăng 1,2%, đặc biệt là thịt gia cầm công nghiệp. Điều này là do các tỉnh ĐBSCL tập trung phát triển các trang trại quy mô, giảm chăn nuôi nông hộ. Chính nhờ tinh thần của đề án tái cơ cấu mà ĐBSCL đi theo hướng nâng cao giá trị nên khu vực này đã hình thành những trang trại chăn nuôi lớn.

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2014, toàn vùng đã có 908 trang trại, đóng góp 44,4% sản lương thịt gia cầm, 63% sản lượng trứng gà đáp ứng cho toàn vùng và thị trường TPHCM.

Cũng nhờ “dựa vào đề án” mà các tỉnh mạnh dạn lập nên vùng chăn nuôi trọng điểm như vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, vùng chăn nuôi gà thịt, gà trứng công nghiệp, heo công nghiệp ở Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang… Bên cạnh đó, mô hình liên kết chăn nuôi-tiêu thụ theo GAP (thực hành chăn nuôi tốt) cũng được các tỉnh chú trọng, do đó giá bán sản phẩm tăng lên, cao hơn so với những đơn vị, cá nhân ngoài mô hình liên kết.

Đối với thủy sản, một trong những ngành hàng chủ lực của các tỉnh trong những năm qua cũng có những thành tựu đáng kể. Theo Tổng cục Thủy sản, trong những năm trước, diện tích nuôi cá tra luôn biến động. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp cá tra nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu không ổn định, khiến các doanh nghiệp rơi vào thế bị động, thậm chí chấp nhận mất hợp đồng do thiếu nguyên liệu chế biến. Tuy nhiên, trong hai năm 2014 và 2015, diện tích nuôi cá tra và sản lượng luôn ổn định dù có những thời điểm giá cá tra nguyên liệu trên thị trường biến động.

Cũng nhờ đề án tái cơ cấu, nâng cao giá trị mà ngành thủy sản bắt đầu chú trọng hơn đến đánh bắt xa bờ, giảm số tàu thuyền đánh bắt gần bờ. Theo Tổng cục Thủy sản, số tàu đánh bắt ven bờ (<90 CV) đã giảm trung bình khoảng 8,2% năm, còn số tàu xa bờ (>90 CV) đã tăng trung bình khoảng 1,4% mỗi năm. Đây là một tín hiệu vui cho ngành thủy sản, đặc biệt với một quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, để mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL thành công, trong thời gian tới, các tỉnh cần tiếp tục quy hoạch các vùng chuyên canh để phát triển các ngành hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, cần lựa chọn các dự án ưu tiên, đồng thời chủ động thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu.

Thời gian 2 năm chưa đủ để đánh giá đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách khách quan nhất, nhưng nhìn vào những kết quả đã đạt được cho thấy ngành nông nghiệp ĐBSCL đang đi đúng theo tinh thần của đề án tái cơ cấu của Chính phủ.