Xếp hạng Việt Nam về xu hướng mua sản phẩm thân thiện với môi trường

ThienNhien.Net – Người tiêu dùng tại các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi thường có xu hướng chọn lựa sản phẩm được sản xuất bởi những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội hơn tại những nước phát triển. Đây là kết quả cuộc thăm dò mới đây của hãng MasterCard.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ethicalshopping.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: ethicalshopping.com)

Nhìn chung, những sản phẩm có tính bình đẳng thương mại có sức hấp dẫn nhất, kế đến là tính thân thiện với môi trường của sản phẩm. Hơn 69,1% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ thường cân nhắc các yếu tố về đạo đức kinh doanh mỗi khi quyết định mua hàng.

Trong đó, yếu tố “có trách nhiệm với môi trường” được cân nhắc nhiều nhất với hơn 79,8% người mua hàng sử dụng sản phẩm vì sự thân thiện với môi trường của nó, đứng thứ 2 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Indonesia (80%). Tiếp theo là sự bình đẳng kinh doanh với 78% và các hoạt động từ thiện, xã hội 49,6%.

Khi phải chọn lựa mua sản phẩm ở đâu, thì điều quan trọng nhất đối với người tiêu dùng là trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp (46,5%). Người tiêu dùng tại những nước đang phát triển thường có xu hướng mua hàng tại những doanh nghiệp kinh doanh có ý thức hơn.

Các nước có tỉ lệ người tiêu dùng cân nhắc nhiều nhất đến vấn đề bình đẳng thương mại, thân thiện với môi trường hoặc đóng góp cho hoạt động từ thiện của doanh nghiệp khi mua hàng bao gồm: Indonesia (78,7%), Trung Quốc (73,8%), Malaysia (73,8%) và Thái Lan (73,6%). New Zealand (33,6%) và Australia (29,2%) là nơi có ít người mua những sản phẩm có trách nhiệm xã hội nhất.

Hơn một nửa (56,6%) người mua sắm tại châu Á-Thái Bình Dương cho biết họ có thể mua sản phẩm vì doanh nghiệp sản xuất nó một cách có ý thức.

Bà Georgette Tan, Giám đốc truyền thông MasterCard khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu “Người dân tại những quốc gia đang phát triển ngày càng quan tâm đến tác động của sự tăng trưởng nhanh lên môi trường và xã hội. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ thường nghĩ đến nguồn cung ứng và ý thức của doanh nghiệp mỗi khi ra quyết định nên mua gì và ở đâu.”