Mưa lũ sau bão Thần Sấm – Miền Bắc bị thiệt hại nặng

ThienNhien.Net – Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2 (Rammasun – Thần Sấm), ngày 20-7 tại miền Bắc tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Nước lũ trên các sông ở miền núi phía Bắc đột ngột tràn về đã nhấn chìm nhiều khu dân cư ở TP Lạng Sơn và một số nơi ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang…

Nước lũ dâng cao gây ngập khu dân cư ven sông Kỳ Cùng, TP Lạng Sơn (Ảnh: LÃ ANH/Sài Gòn Giải Phóng)
Nước lũ dâng cao gây ngập khu dân cư ven sông Kỳ Cùng, TP Lạng Sơn (Ảnh: LÃ ANH/Sài Gòn Giải Phóng)

9 người thiệt mạng và mất tích

Chiều và tối 20-7, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương cho biết, không chỉ trên sông Kỳ Cùng – Lạng Sơn nước lũ dâng cao gây thiệt hại nặng mà tại các lưu vực sông Đà, sông Lô, sông Thao và sông Thái Bình đều có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khiến lũ lên nhanh. Trong đó, lũ lớn nhất đã xảy ra dọc sông Kỳ Cùng – Lạng Sơn.

Khoảng 13 giờ chiều 20-7, mực nước sông Kỳ Cùng đã vượt trên mức báo động 3 là 0,89m. Chiều 20-7, mực nước sông Đà, sông Thao, sông Lô, thượng lưu sông Thái Bình vẫn đang dâng nhanh.

Trước tình hình trên, trưa 20-7, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã ra công điện khẩn yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung và sẵn sàng di dời dân tránh lũ. Số liệu báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, tại các khu vực bị ngập lụt nặng ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang… các lực lượng chức năng gồm bộ đội, công an đang nỗ lực di dời và sơ tán dân tới nơi an toàn. Các khu vực còn lại, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi mực nước lũ để chủ động sơ tán dân, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Tính đến ngày 20-7, thực hiện chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát, có kế hoạch di dời 25.705 người dân (gần 19.000 hộ) tại nhiều địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai… Tổng số hộ đã di dời là 402 hộ với 975 người.

Tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn đã làm xuất hiện vết nứt núi tại thôn Nậm Bắt, xã Tân Tiến (Bảo Yên), đe dọa tính mạng của 16 hộ dân ở đây. Hiện lực lượng chức năng đã sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia TKCN, cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh… tính đến cuối ngày 20-7, đã có 9 người dân bị thiệt mạng và mất tích do bão số 2 và hoàn lưu bão gây ra. Trong đó, tại Lạng Sơn có 4 người chết và mất tích (3 người bị lũ cuốn trôi, 1 nạn nhân chết do sửa nhà khi lũ dâng cao).

Tại tỉnh Lào Cai, có 3 nạn nhân bị sét đánh chết vào chiều 19-7 tại khu vực núi đá Đại Thần, thôn Bản Bon, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên. Trong khi đó, theo thông tin cập nhật từ tỉnh Sơn La cho biết, vào sáng 20-7, tại Thuận Châu – Sơn La cũng đã xảy ra một trận lũ quét bất ngờ và cuốn trôi 1 nạn nhân là bà Bạc Thị Mậu (SN 1945, dân tộc Thái, ở bản Hòn, xã Thuận Châu). Hiện tại bà Mậu vẫn đang mất tích, lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được. Tại tỉnh Thái Nguyên cũng xác định có 1 nạn nhân thiệt mạng do sạt lở núi.

Lạng Sơn chìm trong biển nước

Thông tin từ tỉnh Lạng Sơn cho biết, do mưa to như trút nước liên tục từ đêm 19-7 đến sáng 20-7, nước lũ trên sông Kỳ Cùng chảy qua TP Lạng Sơn đã đột ngột dâng lên rất cao. Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn tỉnh Lạng Sơn cho biết, lượng mưa đo được tại nhiều nơi đều trên 200mm, một số nơi như Mẫu Sơn lên tới 416mm. Từ sáng 20-7, nước lũ và nước mưa đã dâng cao, tràn vào nhiều khu dân cư ở hai bên bờ sông Kỳ Cùng và nhiều khu chợ trung tâm.

Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã có mặt tại thực địa để chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ bà con sơ tán, đảm bảo an toàn về người và tài sản, triển khai ngay các giải pháp “4 tại chỗ” để ứng phó lũ lớn. Tại TP Lạng Sơn, các tuyến đường Trần Quang Khải, Bắc Sơn, Nguyên Du… bị ngập nước. Hơn 600 hộ kinh doanh ở chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn phải di dời, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán ở các chợ Đông Kinh, Giếng Vuông đều ngừng hoạt động. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN đã đến các địa phương trong tỉnh huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ cùng tham gia chống lũ lụt.

Tại huyện Đồng Đăng, lũ cũng tràn bờ. Đồn biên phòng Hữu Nghị – Đồng Đăng, Lạng Sơn đã phối hợp cùng chính quyền địa phương kịp thời di dời 173 người dân tại thị trấn Đồng Đăng và Cao Lộc về nơi an toàn, đồng thời vận động 785 người ở ven suối thị trấn Đồng Đăng đi tránh lũ.

Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, ông Bùi Văn Côi, Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, cho biết mưa lũ đã làm hơn 200 hộ dân bị ngập nặng và nhiều khu vực khác chìm trong nước. Nhiều hộ dân bị ngập sâu hơn 1m nước. Hoa màu của bà con bị hư hại nặng. Tính đến chiều và tối 20-7, nước lũ trên sông Kỳ Cùng đã tạm rút, song vẫn còn nhiều khu dân cư chìm trong nước lũ. Trời vẫn còn dấu hiệu mưa và diễn biến xấu.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc… vào tối 20-7 cho biết, mưa lũ lớn sau hoàn lưu bão số 2 cũng đã gây thiệt hại nặng nề trên khu vực Tây Bắc bộ. Tại huyện Tam Dương – Vĩnh Phúc do lũ các sông dâng cao, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang huy động gần 1.000 cán bộ chiến sĩ công an và bộ đội tham gia chống lũ trên sông Phan. Trong khi đó, mưa lớn liên tục kéo dài nhiều giờ tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái đã gây sạt lở và ách tắc giao thông ở nhiều địa điểm.

Tại bản Dao Chản, xã biên giới Bản Lang, huyện Phong Thổ – Lai Châu đã xảy ra vụ sạt lở đất đá, đe dọa trực tiếp 4 hộ dân, gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng nhưng không có thiệt hại về người. Hiện các hộ dân đã được sơ tán và được chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để ổn định cuộc sống nơi ở tạm. Tại các huyện Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà của tỉnh Điện Biên cũng đã tổ chức di chuyển khẩn cấp hơn 10 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm do sạt lở núi.