Việt Nam nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 10/8, Bộ Y tế có công văn yêu cầu tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ ở người trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị cho người bệnh.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid được WHO khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.

Để đẩy nhanh việc tiếp cận thuốc mới cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh trên thế giới; tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc.

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung nêu trên và rà soát nhu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc này theo đúng quy định.

Bệnh đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Theo đó, bệnh đậu mùa khỉ trên người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Theo thống kê tính đến 17h ngày 9/8 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca đậu mùa khỉ toàn thế giới đã tăng lên 31.800 ca, phân bố trên 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 375 ca ở vùng lưu hành trước đây – một số nước Trung và Tây Phi.

Tuy nhiên, đây có thể là thống kê chưa đầy đủ bởi theo CDC toàn châu Phi số ca ở các nước đã lưu hành và chưa lưu hành trước đây cộng lại chỉ là 382 ca. Trong khi đó, CDC châu Phi khẳng định số ca đã trên 2.800.

Nguồn: