Chuyện kể về những con đường sạch ở Nghĩa Lợi

ThienNhien.Net – Trên những con đường bê tông sạch sẽ nối dài các thôn xóm, bà con các dân tộc xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới bằng những việc làm, hành động cụ thể. Từ những cán bộ gương mẫu đi đầu, phong trào 3 sạch “sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường” đã giúp người dân thực hiện và hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM.

Phong trào 3 sạch được triển khai tích cực tại Nghĩa Lợi. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Phong trào 3 sạch được triển khai tích cực tại Nghĩa Lợi. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Xã Nghĩa Lợi được biết đến là địa phương dẫn đầu thị xã Nghĩa Lộ về ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Với 98% đồng bào dân tộc thiểu số nhưng không vì thế Nghĩa Lợi bỏ quên việc bảo vệ môi trường.

Bà Hà Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi phấn khởi cho biết: Từ năm 2014, phong trào 3 sạch “sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường” đã bén duyên đất Nghĩa Lợi làm thay đổi suy nghĩ, tập tục, lối sống sinh hoạt của không ít người dân nơi đây. Chuồng trại nuôi nhốt trâu bò, lợn gà được di rời xa nhà ở, nhà tiêu được thiết kế hợp lý để giữ gìn vệ sinh chung. Tuy nhiên, để người dân thay đổi tập tục lạc hậu lâu đời không phải chuyện nói và làm ngay được. Để người dân tin và làm theo thì chính những người cán bộ như bà Vân đã gương mẫu đi đầu. 40 cán bộ đến từ các thôn, bản trong xã liên tục tham gia 4 buổi lao động/tháng để làm vệ sinh công cộng.

Cùng với vệ sinh đường làng, ngõ xóm thì mỗi cán bộ, đảng viên cũng chủ động quy hoạch lại nhà ở, khu chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh… của gia đình cho khoa học để người dân học tập. Phong trào 3 sạch bắt đầu được khơi dậy từ chính những người cán bộ gương mẫu đã có sức ảnh hưởng to lớn tới từng gia đình, làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân. Đến nay, toàn bộ 100% thôn, bản trong xã đã vận động người dân quét dọn đường làng ngõ xóm theo chu kỳ 10 ngày/lần và thực hiện tốt việc vệ sinh, dọn dẹp nhà ở của chính gia đình mình.

Chúng tôi đến thăm bản Xa – một trong những địa phương tiêu biểu của Nghĩa Lợi đưa phong trào “3 sạch” vào hương ước của thôn. Theo những nội dung được ghi trong hương ước, cứ vào ngày 13 hàng tháng bà con tập trung dọn vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, khu vực chăn nuôi…

Ông Lò Văn Tý, trưởng thôn bản Xa cho biết, vào sáng ngày 13 mỗi nhà cử đại diện gia đình, người mang chổi, người mang cuốc, xẻng đi khơi thông các cống rãnh, thau rửa những khu nước tù đọng. Phụ nữ, người già, trẻ nhỏ không ai bảo ai tự nguyện làm sạch đường làng, ngõ xóm trong khu vực gia đình mình đang sinh sống. Nhờ đó, cơ bản đường làng ngõ xóm của thôn đều xanh sạch đẹp, phong quang.

Ông Tý cũng cho biết, trước đây trên đường và kênh thoát nước trong xã luôn ngập rác do không được quét dọn thường xuyên, nhưng từ khi thực hiện phong trào 3 sạch thì hầu hết các hộ gia đình đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường ngay chính khuôn viên gia đình rồi đến đường làng, ngõ xóm. Nhờ đó mà môi trường làng, bản ngày càng được cải thiện. Thông qua các buổi họp thôn, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên… đã tuyên truyền cho từng hộ dân về ý thức vệ sinh môi trường, không lấn chiếm hành lang giao thông, không thả rông gia súc, gia cầm trong thôn bản. Hiện nay, 100% hộ gia đình trong bản Xa được sử dụng nước hợp vệ sinh, 99% số hộ có nhà tiêu hợp lý, chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn, số hộ nghèo giảm theo từng năm, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên.

Khẳng định với chúng tôi, bà Hà Thị Vân – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi cho biết: Phong trào vệ sinh môi trường và phong trào 3 sạch của xã Nghĩa Lợi được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hiện tại, xã Nghĩa Lợi đã duy trì có hiệu quả hoạt động của các thùng rác công cộng đặt tại các cơ quan, đơn vị, trường học và tại trụ sở các xã. Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đầu tư xây dựng chuồng trại, xử lý chất thải đảm bảo kỹ thuật, tránh làm ô nhiễm môi trường. Các hộ gia đình ở các tuyến đường đã tuân theo giờ thu gom rác trong ngày theo quy định.

“Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, nhân rộng các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường góp phần xây dựng thành công đời sống văn hóa mới ở KDC”, bà Vân khẳng định.