Voi rừng mắc bẫy ở Đắk Lắk được chuyên gia Thái Lan chữa trị

ThienNhien.Net – Các bác sỹ đã phẫu thuật, làm sạch vết thương và băng bó thuốc để tiếp tục chữa trị vết thương chân voi.

Hôm nay (21/4), 3 chuyên gia đến từ Thái Lan phối hợp với Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk tiến hành phẫu thuật bàn chân trái cho con voi rừng bị mắc bẫy, được cứu hộ cách đây 2 tháng.

21042015_voirungduocchuyengiathailanchuatri

Ngày 19/2 năm nay, tại khu vực rừng phòng hộ Buôn Đôn, cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk phát hiện một con voi đực khoảng 5 tuổi bị thương ở bàn chân trước bên trái, vòi bị đứt gân lìa; có thể do bị mắc bẫy.

Ngay sau đó, voi được đưa về Vườn quốc gia Yook Đôn để chữa trị và đặt tên là Y Jun theo phong tục địa phương. Sau 2 tháng điều trị, vòi voi đã lành sẹo, nhưng vết thương ở chân vẫn nhiễm trùng mưng mủ, đi lại rất khó khăn. Với sự hỗ trợ của 3 chuyên gia đến từ Thái Lan cùng một cơ số thuốc đặc trị, sáng nay (21/4), các bác sỹ đã phẫu thuật, làm sạch vết thương và băng bó thuốc để tiếp tục chữa trị viết thương chân voi.

Ông Khajohnpat Boonprasert – chuyên gia đến từ Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan cho biết: “Trong vài tháng tới, chân voi tiếp tục được thay thuốc hàng ngày cho đến khi lành hẳn vết thương. Vết thương ở chân không nguy hiểm đến tính mạng voi, nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, voi sẽ chết vì kiệt sức do đi lại khó khăn và không kiếm được thức ăn. Khi voi đã lành vết thương, nó cũng khó có thể hòa nhập với đàn voi rừng.

21042015_voirungduocchuyengiathailanchuatri2

Cũng theo ông Boonprasert, nếu theo đúng quá trình chăm sóc như bây giờ thì Jun có thể hồi phục trong vòng 3 tháng. “Vấn đề là bây giờ chúng ta đã chăm sóc cho Jun như một con voi nhà rồi, và Jun cũng đã quá quen thuộc với cuộc sống của con người rồi, nếu thả lại vào rừng thì Jun sẽ không thể thích nghi để sống sót được nữa. Jun nên trở thành một con voi nhà để con người có thể chăm sóc cho nó; chứ nếu thả vào rừng thì có nghĩa là mình lại giết nó thêm một lần nữa” – ông Boonprasert nói.

2 năm trước, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cũng đã cứu hộ thành công một voi rừng bị mắc bẫy. Nhưng sau khi được thả về rừng, voi thường xuyên tách đàn, quay lại phá hoại hoa màu của người dân.