Trốn tìm với… vàng – Kỳ cuối

Cuộc chơi trốn tìm

ThienNhien.Net – Những gì được nghe về “vàng tặc” trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ làm thót tim những ai yếu lòng. Nhưng, “vàng tặc” ở Đông Giang của Quảng Nam xem ra rất hiền lành…

Lều bạt của những tay vàng tặc chạy trốn vào rừng già (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Lều bạt của những tay vàng tặc chạy trốn vào rừng già (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Vào rừng không khó

Nhận được thông tin từ N., tôi lần vào xã Tư rồi vào chốt chặn ngay con dốc cách bãi vàng chừng 3,4 cây số. Cung đường lầy lội bị xé nát bởi mưa rừng và những chuyến xe chở keo cao ngất ngưởng. Nhóm cắm chốt gồm công an, dân quân và kiểm lâm. Thấy tôi lóng ngóng nhìn vào bãi, một người bảo rằng không ai được phép vào rừng, ngay cả phóng viên hay nhà báo cũng vậy thôi. “Mời anh về. Để chuyến sau rồi đi”. Nhưng chờ đến chuyến sau thì bao giờ? Không phải tôi là trường hợp hy hữu muốn vào rừng thời điểm đặc biệt này, phía sau từng đoàn người lũ lượt kéo đến. Nhưng tất cả đều bị chặn lại, vì một lý do đơn giản đã có lệnh đóng cửa rừng.

Những trường hợp được vào rừng là dân địa phương vào rừng để hái chè rừng và các chủ khai thác keo. Một người đàn ông sấn tới chốt chặn ngay con dốc vào bãi vàng, trên xe chất đầy cơm gạo, lương thực, thực phẩm. Anh ta tường trình với những cán bộ đang chốt chặn là mang thức ăn vào cho anh em đang làm rừng (khai thác keo). Rút điện thoại gọi ngược gọi xuôi rồi cũng được sự đồng ý của chốt chặn. Thế là vào rừng. Trong khi những tay có vẻ bặm trợn hơn thì ngồi trơ mình trên mỏm đá để hút thuốc. Tôi lần lên mỏm đá.

“Nhà báo hả? Sao không đưa thẻ thiếc ra mà vào? Tao nhìn mày là tao biết liền, ở đây tao là thổ địa mà, người lạ vào đây không qua mắt tao đâu. Tao cũng đang đau đầu đây, chuyển thức ăn, cơm gạo vào cho anh em mà không cho qua. Tuần vừa rồi truy quét, người ra được người không, người ra được thì phải làm hậu cần cho người ở trong kia, thế mới duy trì được. Không thì bỏ”, một phu vàng than thở. “Thôi giờ thế này nghe, mày chắc cũng có một tí gì đó gọi là, nếu mày xin được vào rừng thì xin cho tao với, tao sẽ cho mày theo cùng vào. Vàng tặc không phải ai cũng như mày nghĩ đâu”, phu vàng chuyển sang mặc cả với tôi. Tôi gạt phắt ngay ý định vào rừng bằng cách này vì biết tỏng rằng “vàng tặc” hay ai cũng vậy, sẽ rất thật thà và “dễ thương” khi bên cạnh là những chiến sỹ mặc sắc phục và ôm súng đứng canh.

Từng chiếc xe đã tháo hết lớp áo choàng và chất chồng lên đó cơm gạo liên tục vào chốt. Muôn vàn lý do được đưa ra, có tay lảng vảng quay đi quay lại ba bốn lần nhưng phải ra về vì không có lý do chính đáng để vào rừng. Thời buổi đã có lệnh đóng cửa rừng nhưng theo quan sát của chúng tôi vẫn có nhiều người vận chuyển một lượng cơm gạo khá lớn vào thâm sơn cùng cốc. Thử hỏi, nếu không còn người trong miệt rừng âm u kia thì cố công chuyển vào đó làm gì?

Từng tốp người chuyển lương thực và thực phẩm phân trần với lực lượng chốt chặn (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Từng tốp người chuyển lương thực và thực phẩm phân trần với lực lượng chốt chặn (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Liên kết để nuôi “quân”

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao truy quét, dựng chốt nhưng đứng ở con dốc nơi cửa rừng vẫn nghe thấy tiếng máy nổ vẳng ra từ rừng xanh? Một thông tin được tiết lộ rằng, khi truy quét sẽ có một vài người chạy ra được trung tâm, còn đa phần vẫn ở lại trong rừng sâu. Để đảm bảo được sống sót, nhất thiết phải có một đội ngũ tiếp tế. Chính vì vậy các chủ vàng phải có một sự liên kết chặt chẽ với những đối tượng khác để vận chuyển nhu yếu phẩm vào rừng thuộc khu vực tây Bà Nà- Núi Chúa. Thời điểm mà chính quyền H. Đông Giang mở đợt truy quét và chốt chặn vàng tặc thì cũng là lúc nhiều chủ rừng keo đang độ khai thác. Vì vậy có hay chăng việc tiếp tế lương thực, thực phẩm của đội ngũ làm rừng cho giới khai thác vàng?

Quyết định đi ra phía trung tâm xã Tư, trên đường đi, gặp ba cha con người Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) góp vốn với người ở Đông Giang chung nuôi trâu nhưng kiểu thả rừng. Bây giờ vào tìm bắt để bán, nên phải vào rừng. Ông già đen nhẻm bảo tôi: “Muốn vào rừng chứ gì?. Được. Nhưng mày phải “dọa” chứ không được “dạ” nghe chưa. Tao đi tìm trâu nên đưa mày đi theo được”. Ông già bảo rằng, mấy hôm nay “vàng tặc” có bớt nhưng vẫn quyết tâm đeo bám trong rừng sâu, nhất quyết không chịu ra ngoài, vì ra ngoài rồi thì vào lại khó lắm. Đi một chặng, từng tốp xe máy chất đầy cơm gạo lọt qua trạm chốt.

Một hầm vàng sau vài tuần không đào bới, cỏ đã mọc lên (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Một hầm vàng sau vài tuần không đào bới, cỏ đã mọc lên (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Ông già cho tôi đi theo cười: “Cách duy nhất mà các chủ vàng có thể lợi dụng là mượn tay các chủ khai thác keo hay dân địa phương vào rừng đánh chim hay tìm lá để đưa vào”. Một chiếc xe máy cà tàng sa lầy vào vũng bùn sâu đến đầu gối, chủ nhân của nó phải nhờ cậy nhóm người đi tìm trâu. Anh ta bảo: “Khổ quá, anh em trong kia đói rét mấy ngày rồi, may giờ mới vào được. Cứ ăn ở trong rừng sâu đã, khi nào yên ắng thì tiếp tục làm, giờ mà làm thì lạy ông tôi ở bụi này à”. Rồi anh kể tiếp rằng, mình không phải là “vàng tặc” nhưng được chủ vàng thuê để chuyển lương cho quân của họ. Vì mình là một người được phép vào rừng để khai thác keo nên chủ vàng đã nhanh chóng liên lạc. Mỗi chuyến họ trả công cũng không tệ, hơn hẳn cả tuần làm rừng.

Vỹ thanh

Đã có rất nhiều bài báo và các phương tiện thông tin đại chúng nói về vấn đề “vàng tặc” ở Đông Giang. Nhưng bao lần truy quét, vàng tặc vẫn hoành hành, xới tung khu vực phía tây rừng già Bà Nà- Núi Chúa. Có chăng đã có một sự thiếu cẩn trọng của lực lượng chức năng để có cơ hội cho vàng tặc ăn ở trong rừng? Nếu không đánh bật được các đối tượng khai thác vàng ra ngoài thì bao giờ mới hết cảnh truy quét để rồi đâu lại vào đó.